• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Ngay từ khi được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, giáo dục và tham gia vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người, suốt đời phấn đấu, học tập và nêu gương đạo đức cách mạng, hết lòng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Hàng đầu từ phải sang: Chủ tịch Hồ Chí Minh, tướng Phạm Kiệt và đồng chí Nguyễn Lương Bằng. Ảnh: TL

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (bí danh Sao Đỏ, Hai Nam, Triệu Vân…) thường được các đồng chí cùng thời gọi là Anh Cả, sinh ngày 2/4/1904 trong một gia đình nghèo có truyền thống yêu nước, tại thôn Đông, xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm, huyện Thanh Miện (nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương).

Năm 1925, sau khi sang Quảng Châu, Trung quốc, Nguyễn Lương Bằng được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng; được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và theo học lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức.

Từ tháng 9/1926 đến tháng 12/1928, đồng chí rời Quảng Châu về Hải Phòng, làm nhiệm vụ thiết lập đường dây liên lạc Hải Phòng - Hương Cảng (Hồng Kông) - Quảng Châu, chuyển tài liệu, sách báo cách mạng về trong nước, vận động, tuyên truyền cách mạng ở Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình...; từ tháng 10/1927 đến tháng 12/1928, Đồng chí vào Sài Gòn tuyên truyền, vận động cách mạng trong công nhân và thanh niên.

Tháng 12/1928, đồng chí trở lại Hải Phòng hoạt động trong phong trào công nhân và đi “vô sản hóa". Giữa năm 1929, Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên điều động đồng chí sang công tác ở Hương Cảng (Hồng Kông). Tại đây, tháng 10/1929, đồng chí được kết nạp vào chi bộ An Nam Cộng sản Đảng. Tháng 12/1929, đồng chí đến Thượng Hải (Trung Quốc) gây dựng cơ sở trong Việt kiều và binh lính người Việt trong tô giới Pháp.

Năm 1931, đồng chí bị mật thám Pháp bắt tại Thượng Hải, áp giải về nước; lần lượt bị giam tại bốt Catina (Sài Gòn), nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), nhà lao Hải Dương. Sau khi bị tòa án thực dân tại Hải Dương kết án phát lưu chung thân, đồng chí lần lượt bị giam tại nhà lao Hải Dương, nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).

Tháng 12/1932, đồng chí vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng. Cuối năm 1933, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai và bị tòa án thực dân ở Bắc Giang kết án khổ sai chung thân. Tháng 5/1935, đồng chí bị đày lên nhà tù Sơn La.

Tháng 8/1943, đồng chí cùng một số cán bộ của Đảng vượt ngục thành công và trở về tiếp tục hoạt động cách mạng; đồng chí được Thường vụ Trung ương Đảng giao phụ trách công tác tài chính và công tác binh vận.

Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, Tuyên Quang (ngày 14-15/8), đồng chí được bầu làm Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (ngày 16-17/8) đã bầu đồng chí vào Ban Thường trực Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí liên tục là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng ban Kinh tế  - Tài chính Trung ương sau đổi thành Ban Tài chính Trung ương (1947-1951); Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (1951-1952); Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô (1952-1956); Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (1956-1960); Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng (1960-1969); Phó Chủ tịch nước (1969-1979).

Ngày 20/7/1979, do tuổi cao sức yếu, đồng chí Nguyễn Lương Bằng từ trần, hưởng thọ 75 tuổi. Với những công lao to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Ngay từ khi được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, giáo dục và tham gia vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người, suốt đời phấn đấu, học tập và thực hành nêu gương đạo đức cách mạng, hết lòng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Lịch sử còn mãi lưu truyền trong các thế hệ cách mạng hai tên gọi biểu tượng của đồng chí: một biểu tượng cho ý chí kiên cường của người cộng sản với bí danh “Sao Đỏ", một “biểu tượng của mẫu mực, sự trong sáng của tình đồng chí, tình anh em" với cái tên “Anh Cả". Điều đó thể hiện sự tôn vinh và ngưỡng mộ của những nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng cùng thế hệ đối với đồng chí Nguyễn Lương Bằng; không chỉ xuất phát từ những công lao mà bắt nguồn chính từ phẩm chất đạo đức cao đẹp đã trở thành biểu tượng của đồng chí Nguyễn Lương Bằng: nói đi đôi với làm, không ham danh vị, lợi quyền, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng lên trên hết, trước hết.

Không chỉ là người suốt đời thực hành và là tấm gương mẫu mực trong thực hành đạo đức cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng còn là một trong những người đầu tiên đề xuất việc tích cực học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của mỗi đảng viên. Theo đồng chí, học tập, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh là học tập, noi gương những quan điểm của Người về “Đảng viên phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân chứ không phải để ngồi trên đầu trên cổ nhân dân, phục vụ cho mình, phục vụ cho gia đình mình. Đảng viên phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải thật sự phản đối quan liêu, lãng phí, tham ô, cá nhân chủ nghĩa". Đồng chí cho rằng, “có nhận thức rõ như thế mới thấy cần phải rèn luyện lối sống cách mạng, phải kiên quyết chống lại lối sống cá nhân chủ nghĩa của giai cấp tư sản và các giai cấp không vô sản khác".

Trên tinh thần đó, đồng chí xác định, phải Tiếp tục và phát huy gương sáng của người trước, tiêu biểu và mẫu mực cho chúng ta ngày nay, đó là lối sống cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Bởi theo đồng chí, “Đời sống của Người, con người của Người, suốt năm, sáu chục năm nay, thực là tấm gương sống về lối sống cách mạng cần cù, giản dị, tiết kiệm, trong sạch và lành mạnh".

Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ở bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, hết lòng phụng sự đất nước, chăm lo đến hạnh phúc của Nhân dân, nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tác phong cần cù, giản dị, khiêm tốn.Đồng chí Nguyễn Lương Bằng thực sự “là biểu tượng của mẫu mực, sự trong sáng của tình đồng chí, tình anh em. Cuộc đời hoạt động của đồng chí là một tấm gương sáng của người cộng sản Việt Nam, vừa giàu tinh thần yêu nước, vừa giàu tinh thần quốc tế vô sản".

Là một người yêu nước nhiệt thành, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, trải qua hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là một tấm gương sáng ngời về khí tiết cộng sản chủ nghĩa và đạo đức cách mạng. “Tấm gương của đồng chí là giá trị tinh thần mãi mãi tỏa sáng đối với nhiều thế hệ những người cộng sản và thanh niên ta, nhân dân ta. Tinh thần cách mạng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa của đồng chí là bất diệt".

Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 1794

Tin liên quan