Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân là một nội dung quan trọng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây chính là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho đường lối, chính sách phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế Thuật ngữ “kinh tế” trong tư tưởng Hồ Chí Minh được Người chỉ ra với hai nghĩa cơ bản: - Nghĩa rộng: Là hệ thống các quan hệ sản xuất xã hội, hệ thống này gắn với trình độ phát triển của sức sản xuất xã hội (quan điểm sức sản xuất xã hội được Hồ Chí Minh nêu lên trong tác phẩm “Thường thức chính trị”- 1953). - Nghĩa hẹp: Nền kinh tế Việt Nam vừa mới thoát ra khỏi chế độ thuộc địa nửa phong kiến với đặc điểm, cơ cấu, cách thức quản lý và nội dung, biện pháp cần phải thực hiện để xây dựng nền kinh tế trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội nhằm chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, đem lại cho Nhân dân cuộc sống ngày càng no đủ hơn. Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế là một hệ thống các quan điểm, lý luận được rút ra từ thực tiễn xây dựng và phát triển nền kinh tế cho chế độ mới ở Việt Nam, kế thừa và nâng cao những giá trị trong tư tưởng xây dựng kinh tế, phát triển sản xuất của dân tộc Việt Nam cùng những tinh hoa của tư tưởng kinh tế nhân loại mà cốt lõi là chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản về kinh tế và quản lý kinh tế của quá trình phát triển đất nước từ sản xuất nhỏ, nông nghiệp lạc hậu tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội với cơ cấu kinh tế hiện đại, khoa học kỹ thuật tiên tiến, đủ khả năng để không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống mọi mặt cho Nhân dân. Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định phát triển kinh tế là một trọng tâm của xây dựng nhà nước mới của Nhân dân, vì Nhân dân. Người đã đề ra nhiều luận điểm, tư tưởng chỉ đạo có tính nguyên tắc về phát triển kinh tế. Có thể khái quát như sau: Một là, phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nhất. Bác chỉ rõ: “… nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội…có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hóa và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài”. Đất nước giành được độc lập, vấn đề kiến thiết, phát triển kinh tế trở nên cấp thiết. Ngày 31/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 78 về việc thiết lập “Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết” của Chính phủ. Phát biểu trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban ngày 10/01/1946, Hồ Chí Minh mong muốn mọi người “đem tài năng tri thức lo bồi bổ về mặt kinh tế và xã hội”. Để hiện thực hóa khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, theo Hồ Chí Minh cần xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc, thực hiện một cách có kế hoạch với sự đồng lòng của Chính phủ và người dân. Hai là, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, phải quan tâm phát triển cả nông nghiệp và công nghiệp. “Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa có hai chân là công nghiệp và nông nghiệp,...hai chân không đều nhau, không thể bước mạnh được”; “...làm cho công nghiệp và nông nghiệp tiến đều, thì mới cải tiến tốt đời sống của Nhân dân”. Người chỉ rõ: “Hiện nay, chúng ta lấy sản xuất nông nghiệp làm chính. Vì muốn mở mang công nghiệp thì phải có đủ lương thực, nguyên liệu. Nhưng công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thật sự của Nhân dân ta”. Trong bài: Con đường phía trước (ngày 20-1-1960), Người viết: “Đời sống Nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường. Muốn có nhiều máy, thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu... Đó là con đường phải đi của chúng ta: Con đường công nghiệp hoá nước nhà” . Ba là, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam còn nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế. Người chỉ ra rằng, ở thời kỳ quá độ, nền kinh tế đó còn các hình thức sở hữu chính: “Sở hữu của nhà nước tức là của toàn dân. Sở hữu của hợp tác xã tức là sở hữu tập thể của Nhân dân lao động. Sở hữu của người lao động riêng lẻ. Tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản”. Tương ứng với chế độ sở hữu là các thành phần kinh tế. Hồ Chí Minh xác định: “Trong chế độ dân chủ mới, có năm loại kinh tế khác nhau...Trong năm loại ấy, loại A [kinh tế quốc doanh] là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản” . Để xây dựng và phát triển nền kinh tế có nhiều thành phần như trên, Hồ Chí Minh đưa ra chính sách kinh tế của Đảng và Chính phủ gồm bốn điểm mấu chốt: Thứ nhất, công tư đều lợi. Kinh tế quốc doanh là “công”. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới. Cho nên chúng ta phải ra sức phát triển nó và Nhân dân ta phải ủng hộ nó. Đối với những người phá hoại nó, trộm cắp của công, khai gian lậu thuế thì phải trừng trị. “Tư” là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên Chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đại đa số Nhân dân. Thứ hai, chủ thợ đều lợi. Nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột Nhân dân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ quyền lợi của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức. Chủ và thợ đều tự giác tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên. Thứ ba, công nông giúp nhau. Công nhân ra sức sản xuất nông cụ và các thứ cần dùng khác, để cung cấp cho nông dân. Nông dân thì ra sức tăng gia sản xuất, để cung cấp lương thực và các thứ nguyên liệu cho công nhân. Do đó mà càng thắt chặt liên minh giữa công nông. Thứ tư, lưu thông trong ngoài. Ta ra sức khai thác lâm thổ sản để bán cho các nước bạn và để mua những thứ ta cần dùng. Các nước bạn mua những thứ ta đưa ra và bán cho ta những hàng hóa ta chưa chế tạo được. Đó là chính sách mậu dịch, giúp đỡ lẫn nhau rất có lợi cho kinh tế ta. Bốn là, phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho Nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”, “Sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào nhà trống”. Phát triển sản xuất để tăng sản phẩm xã hội và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là hai mặt biện chứng trong các chặng đường phát triển đất nước, nâng cao đời sống Nhân dân. Đồng thời, Người luôn nhấn mạnh trong phát triển kinh tế phải chống tham ô, lãng phí, quan liêu là những thứ “giặc nội xâm”, đồng minh với giặc ngoại xâm. Hồ Chí Minh cho rằng, ba căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu là “kẻ thù của Nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Loại kẻ thù này “khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”. Dù có cố ý hay không, tham ô, lãng phí, quan liêu “cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến”. “Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”. Nó “phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của Nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đảm bảo an sinh xã hội Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đây là tư tưởng bao trùm triết lý về an sinh xã hội của Người. Quan điểm của Người về an sinh xã hội đã được thể hiện từ rất sớm. Trong tác phẩm Đường Cách mệnh (xuất bản năm 1927), Người đã nêu nội dung: “Lại có bất thường phí, như để dành phòng lúc bãi công hoặc giúp những hội khác bãi công, hoặc giúp đỡ những người trong hội mất việc làm, hoặc làm các công việc công ích”. Trong Diễn ca Mười Chính sách của Việt Minh năm 1941, Người đã đề cập đến những chính sách dành cho mọi đối tượng trong xã hội: “Có mười chính sách đề ra, Một là ích nước, hai là lợi dân. Bao nhiêu thuế ruộng, thuế thân, Đều đem bỏ hết cho dân khỏi phiền. Hội hè, tín ngưỡng, báo chương, Họp hành, đi lại, có quyền tự do. Nông dân có ruộng, có bò, Đủ ăn, đủ mặc, khỏi lo cơ hàn. Công nhân làm lụng gian nan, Tiền lương phải đủ, mỗi ban tám giờ. Gặp khi tai nạn bất ngờ, Thuốc thang Chính phủ bấy giờ giúp cho. Thương nhân buôn nhỏ, bán to, Môn bài thuế ấy bỏ cho phỉ nguyền. Nào là những kẻ chức viên, Cải lương đãi ngộ cho yên tấm lòng. Binh lính giữ nước có công, Được dân trọng đãi, hết lòng kính yêu. Thanh niên có trường học nhiều, Chính phủ trợ cấp trò nghèo, bần nho. Đàn bà cũng được tự do, Bất phân nam nữ, đều cho bình quyền. Người tàn tật, kẻ lão niên, Đều do Chính phủ cấp tiền ăn cho. Trẻ em, bố mẹ khỏi lo, Dạy nuôi, Chính phủ giúp cho đủ đầy”. Đến Chương trình Việt Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội được thể hiện rõ nét, đầy đủ hơn. Người đề cập đến việc thực hiện chế độ làm việc, tiền lương, bảo hiểm xã hội, chế độ hưu trí, cứu tế nông dân trong những năm mất mùa, hậu đãi binh lính và gia đình họ, giúp học sinh nghèo, chăm nom người già, tàn tật, trẻ em...Người chủ trương xây dựng một xã hội: “(1) Thi hành luật lao động, ngày làm việc 8 giờ. (2) Giúp đỡ các gia đình đông con. (3) Lập ấu trĩ viên để chăm nom trẻ con. (4) Lập các nhà chiếu bóng, diễn kịch, câu lạc bộ, thư viện để nâng cao trình độ trí dục cho Nhân dân. (5) Lập thêm nhà thương, nhà đỡ đẻ, nhà dưỡng lão”. Nói đi đôi với làm, trong 24 năm giữ cương vị lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều sắc lệnh quan trọng bảo đảm chế độ tiền lương, hưu trí, chế độ trợ cấp khi công chức, viên chức nhà nước bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, già yếu hoặc bị chết. Người đã ban hành Sắc lệnh số 29/SL (ngày 12-3-1947) tạo cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm ốm đau, tai nạn, chăm sóc sức khỏe. Sự quan tâm của Hồ Chí Minh tới sức khỏe, coi trọng y tế dự phòng đã đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển bảo hiểm y tế toàn dân ở Việt Nam sau này. Như vậy, mục tiêu trong tư tưởng Hồ Chí Minh về an sinh xã hội là luôn vì cuộc sống hạnh phúc của mọi người dân, nhằm bảo đảm đời sống của người dân, từ những nhu cầu thiết yếu để tồn tại, như: ăn, mặc, chỗ ở đến những nhu cầu cao hơn như: học hành..., đều mang những giá trị vượt trước với tinh thần phát triển bền vững, bao trùm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc hiện nay. Để thực hiện được điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải tiến hành đồng thời xây dựng, phát triển nền kinh tế vững chắc, toàn diện, kết hợp phát triển văn hóa, giáo dục, xây dựng con người mới có đạo đức mới, lối sống mới phù hợp 3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao đời sống Nhân dân Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng cao đời sống Nhân dân chính là làm cho Nhân dân được thực hiện nghĩa vụ và hưởng thụ quyền lợi trong một xã hội tiến bộ, công bằng để Nhân dân thực sự là người chủ trong xã hội mới và ngày càng được thụ hưởng đầy đủ về vật chất và tinh thần. Người nhấn mạnh "muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dẫu khó khăn đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý". Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ mà còn khẳng định mục tiêu phấn đấu, chăm lo cho Nhân dân của các cơ quan Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ cần phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa. Phát triển kinh tế nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất, phát triển văn hóa là tạo cơ sở, nền tảng tinh thần cho đời sống Nhân dân. Hai lĩnh vực này có quan hệ tác động biện chứng với nhau. Người chỉ rõ: “Tất cả đường lối, phương châm, chính sách…của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của Nhân dân". Trong phát triển văn hóa cần toàn diện các lĩnh vực: Văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa giáo dục, văn hóa văn nghệ, văn hóa đời sống…và phải đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa giáo dục, nâng cao trình độ dân trí cho Nhân dân. Theo Người, "chủ nghĩa xã hội là làm cho dân giàu, nước mạnh", vì vậy, phải đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế "Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm". Như vậy, ở Hồ Chí Minh, quan điểm về mục tiêu thống nhất với quan điểm về động lực, vì mục đích kinh tế là phục vụ nhân dân nên phải dựa vào dân, biết phát huy sức người, sức của, tinh thần làm chủ của dân để làm cho sản xuất phát triển. Người nói: "Đảng và Nhà nước ta dùng lực lượng của Nhân dân để xây dựng cho Nhân dân một đời sống ngày càng sung sướng. Đó là chủ nghĩa xã hội". Theo Hồ Chí Minh sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội chưa phải ở mức sống vật chất cao mà trước hết là ở giá trị đạo đức của nó, ở phẩm chất đạo đức của những người cộng sản bằng tấm gương sống và hành động của mình, trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc. Mục tiêu của chủ nghĩa xã hội là giải phóng nhân dân lao động khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Theo Hồ Chí Minh mục đích của chủ nghĩa xã hội: "Nói một cách giản đơn và dễ hiểu là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, trước hết là nhân dân lao động". Từ mục tiêu tổng quát, Hồ Chí Minh diễn đạt thành những tiêu chí cụ thể: "Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho Nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ…Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội". Hàm chứa triết lý phát triển bền vững, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn lại trong bản Di chúc lịch sử: “Đầu tiên là công việc đối với con người”, nên Người căn dặn phải chăm lo cho các đối tượng “cán bộ, binh sĩ, dân quân du kích, thanh niên xung phong” để họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mọi người; quan tâm đến “cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu”, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét; có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Cùng với đó, Nhà nước và các cấp chính quyền phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo và giúp “những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu...trở nên những người lao động lương thiện”; miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân để đồng bào thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất… Những điều Người dặn, những quyết sách mà Người cùng Đảng và Chính phủ nỗ lực thực hiện đã góp phần chăm lo đời sống nhân dân, thể hiện chiều sâu tư tưởng nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nguồn: TUHN.VN
Số lần đọc: 260
|
Tin liên quan
|