Nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân là tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người xem việc đội ngũ cán bộ thực hành và nêu cao tinh thần trách nhiệm là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Bác Hồ tại Hội nghị toàn quốc xin lỗi toàn dân vì những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Theo Bác, cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần trách nhiệm là “khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công". Trong thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên phải “nắm vững chính sách, đi đúng đường lối quần chúng", phải có tư duy, phương pháp khoa học và dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và phải quyết liệt trong hành động, phục vụ vì lợi ích chung của tập thể, của toàn Đảng, toàn dân. Và Bác luôn là tấm gương sáng về tinh thần dám chịu trách nhiệm, dù là việc nhỏ hay lớn. Chẳng hạn, trên báo Nhân Dân số 2946, ngày 17/4/1962, Bác có bài viết: “Xin lỗi - Trong báo Nhân Dân (14/3/1962), dưới đầu đề “Làm thế nào cho lạc thêm vui" đúng ra là 1 tấn lạc đổi được 1,5 tấn (1 tấn rưỡi) gang. Vì để sót một dấu phẩy (,) mà viết sai thành 15 tấn gang. Đó là một thái độ không nghiêm túc, cẩn thận, T.L. xin thật thà tự phê bình và xin lỗi bạn đọc". Hay, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 10 (mở rộng) Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II), ngày 25/8/1956, Bác đã thẳng thắn nhận khuyết điểm, chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân về những sai sót trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Người tự phê bình một cách nghiêm túc: “Vì ta thiếu dân chủ nên nghe ít, thấy ít, nên bây giờ ta phải dân chủ. Tôi nhận trách nhiệm trong lúc sóng gió này. Tất cả Trung ương phải nghe, thấy, nghĩ và làm như thế. Bài học đau xót này sẽ thúc đẩy chúng ta". Đồng thời, tiếp thu ý kiến phê bình Bộ Chính trị và đề nghị: “Hội nghị xét sai và sửa sai cấp tốc, không được cầu toàn; trên cơ sở thi hành kỷ luật nghiêm minh mà bảo vệ Đảng; phương châm tiến hành sửa sai là “lấy giáo dục làm chính, đoàn kết cán bộ, đoàn kết toàn Đảng và phải bảo vệ uy tín của lãnh đạo, của chế độ"... Theo tư tưởng của Bác, nêu cao tinh thần trách nhiệm chính là thúc đẩy tinh thần tích cực, tự giác ở mỗi cán bộ, viên chức phải đảm bảo làm tròn, làm tốt nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự ý thức vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình đối với chính bản thân mình, với lãnh đạo cấp trên, với cơ quan mà mình công tác và trách nhiệm với xã hội và đất nước. Dù làm việc ở bất kỳ vị trí nào, bất kỳ công việc to hay việc nhỏ, khó hay dễ, cán bộ, viên chức phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn để đạt kết quả cao. Học tập và làm theo Bác, tỉnh ta ngày càng có nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, được tuyên dương và nhân rộng. Tuy vậy, việc thoái thác, đùng đẩy trách nhiệm vì sợ sai, sợ khiển trách, hay tâm lý “thà không làm còn hơn sai phạm"; tình trạng thiếu tinh thần trách nhiệm, không tiêu biểu, gương mẫu, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm... của một số cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay vẫn còn xảy ra. Để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, gương mẫu, có bản lĩnh chính trị, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 229-KH/BTGTU, ngày 14/12/2023 về triển khai, thực hiện Chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2024 về “Cán bộ, đảng viên tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương; khắc phục tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm". Trong đó, nhấn mạnh đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp cần thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương theo Quy định số 197-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung theo Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị; nội dung bài viết “Một số suy nghĩ về tình trạng cán bộ, đảng viên sợ trách nhiệm, không dám làm việc" của đồng chí Nguyễn Thanh Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đăng trên Thông tin nội bộ (số tháng 10/2023). Thời nào cũng vậy, những việc làm hay, sáng tạo, hiệu quả vì lợi ích chung bao giờ cũng luôn được cả hệ thống chính trị và nhân dân quan tâm, đánh giá cao, ủng hộ, bảo vệ. Học tập và làm theo Bác về phát huy tinh thần trách nhiệm “dám nghĩ, đám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm…"; qua đó, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên nâng cao vai trò lãnh đạo, năng lực, uy tín của Đảng, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 2530
|
Tin liên quan
|