• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
​Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống, là bài học quý báu của dân tộc ta trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo, vun trồng cho sự nghiệp đại đoàn kết. Câu nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công" của Người đã trở thành lẽ sống, phương châm và khẩu hiệu hành động của Đảng, của dân tộc ta.

Bác Hồ trò chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1951. Ảnh: TL

 

Ngay từ những năm 1920, khi còn đang bôn ba hoạt động tìm đường cứu nước ở nước ngoài, trong nhiều bài báo, bài nói chuyện, như: “Đoàn kết giai cấp", “Lời kêu gọi" (Báo le paria, số 1, ngày 01/4/1922); “Đảng cộng sản và vấn đề thuộc địa" (Báo le paria, số 8, ngày 01/11/1922): “Vì hoà bình thế giới, vì tự do và sự no ấm của mọi người, những người bị bóc lột thuộc mọi nòi giống, chúng ta hãy đoàn kết lại và đấu tranh chống bọn áp bức!"… Người đã kêu gọi tinh thần đoàn kết giữa người lao động ở các nước chính quốc với quần chúng nhân dân ở các nước thuộc địa, điều đó đã dần dần thức tỉnh những người cộng sản, những người dân chủ ở các nước quan tâm nhiều hơn đến phong trào giải phóng dân tộc ở những nước đang bị chế độ thực dân xâm chiếm.

Khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh càng có điều kiện hiểu sâu hơn giá trị của tinh thần đoàn kết. Đại đoàn kết dân tộc phải trên cơ sở lấy lợi ích tối cao của dân tộc và quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động làm nền tảng, kết hợp hài hoà lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, bộ phận và toàn cục, giai cấp và dân tộc, quốc gia và quốc tế: “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ"... Người đã chỉ rõ, đoàn kết dân tộc vừa là động lực, vừa là mục tiêu, là nhiệm vụ chiến lược, phải đoàn kết thật sự, lâu dài. Người giải thích: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây".

Người đã trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức thí điểm các hội quần chúng để tiến tới thành lập Mặt trận Việt Minh. Sự ra đời của Mặt trận dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng với các tên gọi Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là thắng lợi rõ rệt nhất của tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh trong tiến trình cách mạng Việt Nam.

Người luôn luôn kêu gọi phải tăng cường sự đoàn kết và hợp tác quốc tế, đồng thời phải ra sức ủng hộ và giúp đỡ đối với các cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc", và Người kêu gọi: “Lao động tất cả các nước, đoàn kết lại!" để đứng lên giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là biểu tượng của tinh thần “bốn phương vô sản đều là anh em". Và nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của khối đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế, trước lúc đi xa Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình".

Điểm đặc sắc của phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh là lấy đoàn kết làm trung tâm, kết hợp chặt chẽ đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng trong cả đấu tranh cách mạng, trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng trong lịch sử, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn xác định “đoàn kết" là giá trị cốt lõi và “đại đoàn kết toàn dân tộc" là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như cách mạng xã hội chủ nghĩa và trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay. Theo đó, đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Nghĩa là, lấy đoàn kết toàn dân để giải phóng dân tộc, làm cho nhân dân đồng thuận để xây dựng xã hội mới. Giải phóng con người ở tầm cao văn hóa như thế đã tạo ra nguồn năng lượng và động lực cực kỳ mạnh mẽ của toàn dân làm nên thắng lợi trong cả sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng Tổ quốc.

Xác định đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến, kiến nghị, đề xuất hợp pháp, chính đáng của nhân dân; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhân dân. Từ đó,góp phần quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra.

Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 2549

Tin liên quan