• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với hoạt động báo chí. Người đã sáng lập và rèn luyện báo chí cách mạng Việt Nam; đồng thời Người là một nhà báo cách mạng vĩ đại.

Bác Hồ - Người sáng lập và rèn luyện báo chí cách mạng Việt Nam. Ảnh: TL

Ngày 21/6/1925, tại cơ sở hoạt động cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc), báo Thanh Niên - Cơ quan ngôn luận của tổ chức Thanh niên cách mạng Việt Nam do Bác Hồ sáng lập, ra số đầu tiên. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu sự ra đời và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Bác trực tiếp chỉ đạo, biên tập, trình bày và viết nhiều bài chính luận sắc bén cho báo Thanh Niên. Sau khi in, báo chuyển về nước bằng đường thủy, tới các tổ chức cảm tình của hội, các chi bộ, các cơ sở Việt kiều ở Pháp, Thái Lan, Nga.

Việc sáng lập và trực tiếp lãnh đạo báo Thanh Niên, khẳng định Bác Hồ đặc biệt quan tâm vai trò của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta. Theo Người, báo chí chính là công cụ, phương tiện để đấu tranh với kẻ địch và tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cách mạng theo quan điểm Mác - Lênin một cách hiệu quả nhất.

Tháng 12/1926, Bác Hồ lập ra báo Công Nông cho giai cấp công nhân và nông dân nước ta. Tháng 1/1927, báo Lính Kách Mệnh (tiền thân của báo Quân Đội Nhân Dân ngày nay) dành cho đội ngũ chiến sĩ cách mạng cũng được Bác sáng lập. Các báo này đều xuất bản chủ yếu bằng tiếng Việt, nhưng có một số tin, bài bằng tiếng Hán, Pháp, Anh…; hình thức mới mẻ mà gần gũi, nội dung phong phú nhưng luôn bám sát các chủ trương, mục tiêu cách mạng.

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, Bác Hồ cho xuất bản báo Tranh Đấu và tạp chí Đỏ, những số đầu phát hành vào tháng 8/1930. Sau 30 năm ra nước ngoài bôn ba tìm đường cứu nước, tháng 1/1941 Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng và thành lập Mặt trận Việt Minh. Năm 1941 Bác cho ra tờ báo Việt Nam Độc Lập; đến năm 1942 Bác tiếp tục cho xuất bản báo Cứu Quốc.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tháng 2/1951, Bác Hồ chỉ đạo thành lập báo Nhân Dân - Cơ quan ngôn luận của Đảng ta. Đồng thời, Bác tích cực và thường xuyên tham gia viết bài cho báo Nhân Dân nhằm tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng đến cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân; cổ vũ và động viên các phong trào hành động cách mạng. Từ số báo Nhân Dân đầu tiên ngày 11/3/1951 đến khi về cõi vĩnh hằng, Bác đã gửi đăng 1.206 bài viết với 23 bút danh khác nhau.

Không chỉ sáng lập các tờ báo, Bác Hồ còn đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp phát triển báo chí cách mạng Việt Nam. Ngày 29/3/1946, Bác ký Sắc lệnh số 41, Quy định Điều lệ Báo chí. Bằng chính kiến thức và kinh nghiệm của mình, Bác tận tâm chỉ dẫn nghiệp vụ cho các nhà báo như một đồng nghiệp, một người bạn, người anh, người thầy.

Bác nhận xét những khuyết điểm của báo chí ta: Tuyên truyền không kịp thời; chính trị suông quá nhiều; không biết giữ bí mật; đôi khi đăng tin vịt; hay dùng chữ Tàu và nhiều khi dùng không đúng; in xấu; vì mỹ thuật mà cắt một bài ra hai ba đoạn, khó đọc; tin chậm; tin quan trọng thì viết ngắn, in chữ nhỏ và ngược lại… Đồng thời, Người chỉ ra:

“Muốn viết báo thì phải cần: 1. Gần gũi quần chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2. Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. 3. Khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại  cẩn thận. Tốt hơn nữa là đưa nhờ một vài người ít văn hóa và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4. Luôn luôn gắng học tập, luôn luôn cầu tiến bộ".

Ngày 17/8/1952, trong buổi nói chuyện tại Trường Chỉnh Đảng Trung ương ở chiến khu Việt Bắc, Bác nêu rõ 4 vấn đề cơ bản đối với người báo chí: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?" và đưa ra cách giải quyết cặn kẽ, phù hợp các vấn đề đó. Bác căn dặn: “Phải viết gọn, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi... Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng", tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?".

Bác Hồ luôn khẳng định vai trò to lớn của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc: “Báo chí là công cụ tuyên truyền, cổ động, tổ chức, lãnh đạo..."; “Báo chí là vũ khí sắc bén, nhanh nhạy, đại chúng, phục vụ kịp thời...". Bác đánh giá và nhắc nhở: “Báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới... Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết".

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã viết hơn 2.000 bài báo với hàng trăm bút danh khác nhau, đăng ở nhiều báo trong và ngoài nước bằng tiếng Việt, Pháp, Hán, Nga, Anh... Người đã trực tiếp sáng lập và rèn luyện báo chí cách mạng Việt Nam; đồng thời Người là một nhà báo cách mạng vĩ đại.

Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 3294

Tin liên quan