• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Năm 1949, với bút danh Lê Chiến Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Cần, Kiệm, Liêm, Chính", để động viên cán bộ, chiến sĩ và đồng bào xây dựng đạo đức cách mạng, thi đua ái quốc. Cần, kiệm, liêm, chính cũng chính là những đức tính quý báu của Bác Hồ mà suốt đời Người luôn gương mẫu thực hiện.

Bác Hồ làm việc ở Chiến khu Việt Bắc, năm 1952. Ảnh: TL    

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính là nền tảng của Đời sống mới, nền tảng của Thi đua ái quốc". Bác viết:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính

Thiếu một mùa thì không thành trời

Thiếu một phương thì không thành đất

Thiếu một đức thì không thành người".

Thế nào là “Cần", Bác chỉ rõ: “Cần" là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biến, không ỉ lại, không dựa dẫm. Phải thấy rõ “lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi chúng ta".

Về chữ “Kiệm", theo Người là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm của dân, của nước, của bản thân mình, tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ; “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương, hình thức…". Cần, kiệm là phẩm chất của tất cả người lao động trong đời sống, trong công tác.

Bác giải thích “Liêm" là trong sạch, là “luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân", “không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân"; không tham địa vị, không tham tiền tài…". Liêm là phẩm chất của người cán bộ trong thi hành công vụ.

Đối với chữ “Chính", là ngay thẳng, không tà, là đúng đắn, chính trực. Đối với mình không tự cao, tự đại; đối với người không nịnh trên, khinh dưới, không dối trá, lừa lọc, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Đối với việc thì để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Được giao nhiệm vụ gì quyết làm cho kỳ được, “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm; việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh".

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đức tính cần, kiệm, liêm, chính có quan hệ biện chứng với nhau, tạo nên đạo đức của người cách mạng. Bác Hồ chính là tấm gương sáng về phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người viết: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư".

Có thể thấy, việc Bác đề ra các đức tính cần, kiệm, liêm, chính và gương mẫu thực hành các đức tính này, chính là Người muốn xây dựng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho mỗi người cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Vì vậy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trước hết, mỗi người cần học tập đức tính cần, kiệm, liêm, chính của Người.  

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra mục tiêu: khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hơn 2 năm qua tình hình kinh tế - xã hội của đất nước có những tác động tiêu cực chưa từng có. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp để hạn chế rủi ro đối với nền kinh tế và ổn định xã hội trong những năm tới.

Để sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là xây dựng đội ngũ cán bộ có đầy đủ phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính. Bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là gốc của mọi công việc", “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém…".

Như vậy, học tập Bác về đức tính cần, kiệm, liêm, chính là công việc rất quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Nhìn rộng ra, chúng ta không chỉ xây dựng những cá nhân cần, kiệm, liêm, chính, mà cần xây dựng cả dân tộc cần, kiệm, liêm, chính. Như Bác đã khẳng định: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm sỉ, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ".

Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 3988

Tin liên quan