• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
(KGO) - Với mục tiêu tập trung khai thác chuỗi giá trị của nguồn tài nguyên bản địa cá cơm biển Kiên Giang để tạo ra sản phẩm mới, mang tính đặc trưng của địa phương, dự án cá cơm xanh của nhóm sinh viên Trường Đại học Kiên Giang xuất sắc đoạt giải nhất cuộc thi ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần I năm 2022.

Sản phẩm của dự án cá cơm xanh là bánh phồng cá cơm biển Kiên Giang và muối ớt cá cơm biển Kiên Giang. Theo ban giám khảo cuộc thi ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cá cơm xanh là dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tính khả thi cao, mang lại nhiều giá trị bởi làm tăng chuỗi giá trị nguồn tài nguyên cá cơm bản địa; tạo sản phẩm đặc trưng cho du lịch Kiên Giang, phục vụ cộng đồng; cung cấp sản phẩm đổi mới sáng tạo với chất lượng, giá thành cạnh tranh.

Dự án cá cơm xanh mang đến sản phẩm có hương vị mới, thay đổi nguồn nguyên liệu truyền thống cố định được sử dụng như thói quen của xã hội, tìm ra tính mới và sáng tạo từ nguồn nguyên liệu là cá cơm cho ra nhiều sản phẩm để phục vụ cộng đồng. 

Trải nghiệm nghiên cứu khoa học khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhóm sinh viên Nguyễn Thị Thúy Liên, Nguyễn Ngọc Đoan Phương, Trần Đức Thắng cố gắng, tìm tòi, học hỏi để ngày càng hoàn thiện sản phẩm, mang ý tưởng khởi nghiệp đến các cuộc thi.

4 tháng thực hiện dự án, nhóm gặp nhiều khó khăn, nhiều lần thất bại phải nghiên cứu, làm lại mới khắc phục việc bánh phồng chiên không phồng; muối ớt lâu khô, bị nát. Tuy nhiên, cả ba sinh viên đều vui, cảm thấy thú vị khi được tham gia nghiên cứu khoa học tạo ra sản phẩm đặc trưng và gửi gắm tâm huyết vào chất lượng sản phẩm.

Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh tặng thưởng nhóm sinh viên

Trường Đại học Kiên Giang thực hiện dự án cá cơm xanh.

Sản phẩm dự án được hình thành từ quá trình nghiên cứu, khảo sát, đánh giá sản phẩm thực phẩm hiện có thị phần lớn trên thị trường và có xu hướng phát triển hơn nữa trong tương lai. Từ đó đưa cá cơm vào sản phẩm có chất lượng tương đương, thay thế nguyên liệu đắt tiền, đa dạng sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu cá cơm. Việc đưa nguyên liệu cá cơm vào sản xuất 2 sản phẩm bánh phồng và muối ớt là hoàn toàn mới trên thị trường.

Em Nguyễn Thị Thúy Liên chia sẻ: “Nhóm em vui, hãnh diện vì đoạt giải nhất cuộc thi, đây là nền tảng để em và các bạn trong nhóm tiếp tục nghiên cứu khoa học với nhiều ý tưởng đổi mới sáng tạo. Em mong các sản phẩm từ dự án cá cơm xanh góp phần tích cực vào việc quảng bá ẩm thực, hình ảnh quê hương Kiên Giang đến cả nước, vươn tầm xa hơn ra thị trường quốc tế”.

Nói về tính độc đáo của dự án cá cơm xanh, em Nguyễn Ngọc Đoan Phương thông tin, dự án mang tính khép kín, tận dụng nguồn nguyên liệu từ bản địa để cho ra đời sản phẩm mới nhằm mục đích phục vụ du lịch của tỉnh.

Kiên Giang là tỉnh có điều kiện thuận lợi trong quá trình khai thác, bảo quản và vận chuyển cá cơm từ biển về bờ mà vẫn giữ được cá cơm ở trạng thái tốt nhất, từ đó tạo ra sản phẩm mang hương vị mới, thu hút sự quan tâm, yêu thích của người dân trên địa bàn tỉnh và du khách. 

Sản phẩm bánh phồng cá cơm biển Kiên Giang và muối ớt cá cơm biển Kiên Giang làm từ nguyên liệu thiên nhiên, không dùng chất bảo quản, mang lại dinh dưỡng cao khi sử dụng, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Đặc biệt, sản phẩm chứa đựng trong bao bì vận chuyển được thiết kế đẹp, gọn nhẹ, thích hợp làm quà tặng cho người thân, bạn bè hoặc phục vụ nhu cầu tiêu dùng cá nhân.

Nguồn: baokiengiang.vn
Số lần đọc: 2345

Tin liên quan