KGO) - Nhận thấy rau ngót có lợi cho sức khỏe, em Nguyễn Thị Bé Thơ - sinh viên Trường Cao đẳng Kiên Giang cùng nhóm bạn cho ra đời sản phẩm trà và bột làm từ rau ngót.
Rau ngót có hàm lượng vitamin A, vitamin C cao hơn hẳn so bưởi, chanh, cam... Đây là thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất collagen, vận chuyển chất béo, điều chỉnh nồng độ cholesterol và miễn dịch. Lá rau ngót ngoài tác dụng thanh nhiệt, giải độc còn lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, bổ huyết, sát khuẩn và chữa ban, sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, tiểu rắt, tiêu độc… Thấy rau ngót có nhiều lợi ích cho sức khỏe, em Nguyễn Thị Bé Thơ cùng 4 bạn đến từ khoa khác nhau của Trường Cao đẳng Kiên Giang tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu để cho ra sản phẩm làm từ rau ngót. “Nhóm em nghĩ rằng làm sản phẩm từ rau ngót sẽ mang lại hiệu quả cao và bắt đầu thử nghiệm chế biến hai sản phẩm từ rau ngót là trà và bột. Kết quả vượt ngoài mong đợi khi các sản phẩm thử nghiệm đều thành công”, Bé Thơ nói. Sản phẩm trà do nhóm của Thơ chế biến thử nghiệm thành phần gồm rau ngót, lá dứa, hạt sen. Rau ngót đem ngâm, rửa sạch, để khô; sau đó, sấy cùng lá dứa, để ở nhiệt độ 240C khoảng 1 ngày, cuối cùng cho thêm hạt sen khô vào và đóng gói. Đối với bột, thành phần gồm rau ngót và hạt sen. Quá trình chế biến cũng giống trà, nhưng khác ở bước đem đi xay nhuyễn đến khi sản phẩm mịn thành bột. Các sản phẩm trà sau khi chế biến xong được đóng gói thành dạng túi lọc, mỗi túi 5g. Mỗi hộp trà có 5 túi lọc bán giá 33.500 đồng/hộp. Sản phẩm bột đóng thành gói, mỗi gói 10g, một hộp 6 gói bán giá 32.000 đồng/hộp.
Sản phẩm trà làm từ rau ngót được sấy khô có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Sản phẩm trà và bột làm từ rau ngót phù hợp cho nhiều lứa tuổi. Trà chỉ cần cho vào nước sôi, để khoảng 3 phút là có thể thưởng thức. Bột có thể cho vào trong cháo nấu cho trẻ ăn, làm bột bánh, sinh tố… Các sản phẩm này rất tốt cho sức khỏe, những người thừa cân, béo phì cũng có thể sử dụng sản phẩm để giảm cân, thanh lọc cơ thể, bổ sung chất xơ. “Rau ngót có tính hàn. Phụ nữ có thai không được sử dụng các sản phẩm từ rau ngót vì không có lợi cho quá trình mang thai. Vì thế, để đảm bảo sức khỏe của mọi người, nhóm em ghi rõ định lượng sử dụng tối đa một ngày là bao nhiêu và các đối tượng không được sử dụng để có thể đem lại lợi ích, hiệu quả nhất cho người tiêu dùng”, sinh viên Châu Thanh Thanh - thành viên nhóm chia sẻ. Với dự án “Sản phẩm làm từ rau ngót”, nhóm của Nguyễn Thị Bé Thơ xuất sắc đoạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp KGC năm 2022 do Trường Cao đẳng Kiên Giang tổ chức. Mục tiêu của nhóm trong năm đầu tiên sẽ bắt đầu kinh doanh online trên các nền tảng xã hội như Zalo, TikTok, Facebook, Instagram) đưa sản phẩm đến với khách hàng, tạo dựng được các mối quan hệ lâu dài hơn. Em Nguyễn Thị Bé Thơ cho biết: “Để khách hàng tin tưởng và chấp nhận sử dụng một sản phẩm còn mới là điều khó khăn đối với nhóm em. Vì thế, uy tín và chất lượng sản phẩm được nhóm yêu cầu rất cao trong việc lựa chọn nguyên liệu và ứng xử với khách hàng”. Đồng chí Lê Nhật Quang - Phó trưởng Phòng Đảm bảo chất lượng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp KGC, Trường Cao đẳng Kiên Giang nhận xét: “Dự án “Sản phẩm làm từ rau ngót” của nhóm có tính mới, sáng tạo và khá phù hợp với điều kiện thực tế của thị trường hiện nay". Theo đồng chí Lê Nhật Quang, rau ngót là loại rau được nhiều gia đình ưa thích và là nguồn rau sạch rất phổ biến. Nếu được đầu tư đúng mức và phát triển thành dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì đây sẽ là dự án tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương với nguồn nguyên liệu dồi dào, có thể trở thành sản phẩm OCOP trong tương lai gần. Nếu thành công, dự án không chỉ mang lại lợi ích cho nhóm khởi nghiệp mà còn tạo được việc làm cho người lao động, đồng thời nâng được giá trị của sản phẩm mang đặc trưng của địa phương.
Nguồn: Báo Kiên Giang
Số lần đọc: 4393
|
Tin liên quan
|