(TTKG) Mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, và tuổi trẻ cũng chính là mùa xuân. Ở nhiều nơi, những người trẻ đang góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, xã hội tại các vùng sâu, vùng xa. Năm mới, họ bộc bạch điều gì? Anh Lê Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND xã Vân Khánh Tây (An Minh) Phục vụ tốt để tạo lòng tin Là người con của xã Vân Khánh Tây, sinh năm 1979, anh Lê Ngọc Tùng xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Do điều kiện gia đình, tốt nghiệp THCS Tùng đến với môi trường sư phạm. Năm 2000, đảng viên trẻ Lê Ngọc Tùng nhập ngũ, đến 2003 xuất ngũ về địa phương và đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch UBND xã. Từ 2005 đến nay, với cương vị là Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, anh đã cùng tập thể Đảng, chính quyền và đoàn thể địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng cầu đường, phát triển y tế, giáo dục… , góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của Vân Khánh Tây hiện còn 5,39% (năm 2002 là 24%). Hiện nay người dân ở các ấp của Vân Khánh Tây có thể đi lại dễ dàng hơn bởi những tuyến đường giao thông nông thôn, cũng như xã đã xóa cầu khỉ, đời sống văn hóa nơi đây phát triển mạnh. Anh Tùng bày tỏ: “Qua đợt học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi cảm thấy phải cố gắng nhiều hơn nữa trong học tập, phục vụ nhân dân để không phụ lòng tin của dân. Bên cạnh đó, việc tu dưỡng đạo đức, quan hệ tốt trong gia đình, xóm giềng, cơ quan cũng là vấn đề quan trọng không thể thiếu. “Mất chữ tín là mất 99% nhưng mất niềm tin là mất tất cả”. Nên muốn có lòng tin ở dân thì không có gì khác ngoài việc phục vụ tốt”. Chị Danh Thị Kim Thuyền, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Minh Hòa 2 (Châu Thành) Phải giữ cái tâm trong sáng Sinh năm 1980, tuổi đời còn trẻ nhưng Kim Thuyền đã hai năm là phó hiệu trưởng. Là giáo viên, cán bộ phụ trách chuyên môn khối tiểu học ở vùng sâu, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, chị gặp rất nhiều khó khăn trong vận động học sinh ra lớp, phổ cập xóa mù chữ. Song cũng là người dân tộc Khmer, Thuyền dễ dàng thấu hiểu hoàn cảnh từng gia đình để có hướng tiếp cận, thuyết phục. Thuyền tâm sự: “Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi cảm thấy trách nhiệm của giáo viên hết sức nặng nề. Là nhà giáo, chúng tôi phải cố gắng không ngừng học tập nâng cao kiến thức, giữ cho cái tâm trong sáng. Ngoài ra, với vai trò là người phụ trách chuyên môn trong công tác giáo dục, tôi cho rằng dạy học không đơn thuần là truyền thụ kiến thức mà còn phải dạy cách sống, cách đối xử với mọi người xung quanh ngay từ thuở nhỏ, giúp các em định hướng nhân cách. Sắp tới tôi sẽ tham mưu trong việc thực hiện dạy tốt - học tốt, tạo sinh khí trường học thật sự đúng với chủ đề “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” để nâng cao chất lượng giáo dục địa phương”. Anh Phan Hòa Anh, Chủ tịch UBND xã Hòa Chánh (U Minh Thượng) Gần dân để có thêm sức mạnh Lớn lên, học tập và nay được phục vụ tại Hòa Chánh, địa phương giàu truyền thống cách mạng, anh Phan Hòa Anh, sinh 1978, ý thức cao trong việc chăm lo cuộc sống người dân. Địa bàn mới được chia tách, gặp rất nhiều khó khăn, song với tâm huyết của mình, Hòa Anh luôn gần gũi với người dân, tận tình giải quyết công việc. Hòa Anh tâm sự: “Cán bộ địa phương gần dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ những khó khăn người dân đang gặp phải, đó luôn là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện công tác chính quyền. Gần dân là để có thêm sức mạnh khi thực hiện nhiệm vụ. “Người cán bộ cũng là người đầy tớ trung thành của dân”, câu nói đó phải thấm trong máu người cán bộ và nhất là cán bộ cơ sở. Ngoài ra, theo tôi phải luôn học hỏi, nâng cao kiến thức và sống hết mình cho quê hương…”. Và anh cùng địa phương vận động 52 triệu đồng mua một máy chữa cháy phục vụ cho hai chợ Nhà Ngang và chợ Thầy Quơn cùng hàng ngàn người dân trên địa bàn. Trong thời gian tới, anh cho biết sẽ cùng chính quyền địa phương tập trung giải quyết tốt các chế độ chính sách xã hội cho người dân, đẩy mạnh làm đường giao thông nông thôn, nâng cao hiệu quả canh tác nông nghiệp… MINH THƯ
Số lần đọc: 39970
|
Tin liên quan
|