• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Với mô hình nuôi chim cút ban đầu chỉ lấy trứng, đến nay, anh Danh Thanh Tài - đoàn viên ấp Số 8, xã Sơn Kiên (Hòn Đất) mở rộng mô hình nuôi chim cút thịt, cút giống và trứng cút lộn. Mô hình khởi nghiệp nuôi chim cút của anh Tài triển khai thực hiện với diện tích chuồng trại chưa đầy 100m2, nhưng đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Năm 2016, qua nghiên cứu mô hình nuôi chim cút trên mạng internet, anh Tài tự đóng chuồng, trại và mua nuôi vài trăm con cút giống về nuôi thử nghiệm. Qua quá trình nuôi, anh Tài dần đúc kết kinh nghiệm nuôi thực tế và tiếp tục học hỏi thêm kiến thức nuôi chim cút từ trên mạng internet. Đến năm 2017, anh Tài tự tin đầu tư mua máy ấp trứng hơn 50 triệu đồng để tự ấp cút giống, nhưng cũng thời điểm đó, anh Tài được lệnh lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong khoảng thời gian anh Tài vắng nhà, ba mẹ anh tiếp tục duy trì mô hình nuôi chim cút của anh. Đến năm 2019, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Tài trở về và tiếp tục mở rộng mô hình nuôi chim cút sẵn có. Hiện mô hình của anh Tài được mở rộng với khoảng 20.000 con chim cút các loại. Anh Tài chia sẻ: “Trước đây nuôi nhỏ lẻ tôi tự đóng lồng và chuồng nuôi, chi phí không quá cao. Nhưng đến nay khi mô hình được mở rộng, tôi đặt mua lồng ở các xưởng chuyên nghiệp về lắp ráp để tiết kiệm diện tích, cũng như đảm bảo vệ sinh lồng và chuồng nuôi dễ dàng. Tổng chi phí đầu tư cho mô hình nuôi chim cút từ trước đến nay khoảng trên 200 triệu đồng”.

Đồng chí Ngô Mộng Trinh (bìa phải) - Đảng ủy viên, Bí thư Xã đoàn Sơn Kiên đến tham quan,

tìm hiểu mô hình nuôi chim cút của anh Danh Thanh Tài

Theo anh Tài nuôi chim cút không khó, không tốn nhiều diện tích nuôi, không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc quá công phu nhưng lại đem lại thu nhập ổn định vì có thể nhặt trứng bán hàng ngày. Tuy nhiên việc chăm sóc phòng bệnh phải thường xuyên, thời tiết thay đổi, nắng nóng hoặc mưa nhiều đều ảnh hưởng đến việc đẻ trứng và nhiễm bệnh của cút. Nếu chăm sóc tốt, chim sẽ đẻ trứng liên tục trong vòng 9-10 tháng, trung bình mỗi tháng một con chim cút đẻ 25 quả trứng. Hiện mô hình chưa có người thực hiện nhiều nên đầu ra khá ổn định. Trứng và cút thịt anh Tài bán sỉ và lẻ ở trong và ngoài huyện. Hiện mỗi ngày, anh Tài thu từ 5.000 - 8.000 trứng, với giá trung bình 5.000 đồng/chục; cút thịt có giá từ 10.000 - 12.000 đồng/con, cút giống 2.000 đồng/con. Tổng lợi nhuận hàng tháng từ mô hình từ 12 triệu đồng trở lên.

Để đáp ứng nhu cầu ấp trứng lộn và con giống, từ máy ấp trứng cũ đã mua, anh Tài còn mua vật liệu và máy móc về sáng chế một máy ấp tương tự nhưng với giá thành rẻ hơn một nửa. Nhưng cái khó hiện nay của anh Tài là còn thiếu kỹ thuật nuôi chuyên nghiệp, do anh chưa có kiến thức về chăn nuôi và hiểu các loại bệnh của chim cút. Phần lớn là anh tìm cách phòng bệnh, giữ môi trường, khu vực nuôi luôn sạch sẽ, thoáng mát, vệ sinh 2 lần/ngày. Đồng thời, giá thức ăn chăn nuôi cũng khá cao nên chi phí chăn nuôi khá tốn kém. Vừa trao đổi với chúng tôi, đôi tay vẫn thoăn thoắt nhặt trứng, anh Tài chia sẻ thêm: “Tôi rất mong muốn được hỗ trợ tham gia các lớp tập huấn kiến thức về chăn nuôi gia cầm. Sắp tới nếu được hỗ trợ vay vốn và kỹ thuật, tôi sẽ mở rộng mô hình và hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên trên địa bàn thực hiện mô hình nuôi chim cút, nâng cao thu nhập”.

Anh Danh Thanh Tài nhặt trứng cút cung cấp cho mối sỉ.

Thực tế hiện nay, có nhiều đoàn viên, thanh niên trong và ngoài huyện đến học tập kinh nghiệm mô hình nuôi chim cút từ anh Tài. Với những kinh nghiệm đúc kết được qua thực tế chăn nuôi, anh Tài sẵn sàng chia sẻ. Đồng chí Ngô Mộng Trinh - Đảng ủy viên, Bí thư Xã đoàn Sơn Kiên cho biết: “Anh Tài là thanh niên khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu của xã. Thấy được hiệu quả mô hình nuôi chim cút nên khi anh Tài xuất ngũ về địa phương, Xã đoàn đã hỗ trợ cho anh vay vốn 50 triệu đồng mở rộng mô hình. Hiện mô hình nuôi chim cút của anh Tài đang có hướng phát triển tốt, đầu ra ổn định, tạo nguồn cảm hứng để thanh niên trên địa bàn đến tham quan, học tập. Ngoài tinh thần khởi nghiệp, anh Tài còn tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn, Hội địa phương. Vừa qua, anh Tài còn hỗ trợ sản phẩm trứng cút tại gian hàng khởi nghiệp gây quỹ cho học sinh khó khăn trên địa bàn xã”. 

 

Tú Anh
Số lần đọc: 58

Tin liên quan