Với tinh thần siêng năng, nhạy bén, cùng sự quan tâm, tạo điều kiện tổ chức Đoàn, hàng trăm thanh niên Kiên Giang đã triển khai thành công các mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Nhiều mô hình khai thác tốt nền tảng số đã giúp mở rộng thị trường kinh doanh, tăng thu nhập, tạo việc làm cho nhiều người, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
* Tận dụng công nghệ số để khởi nghiệp Mô hình khởi nghiệp từ quả gấc của anh Trần Thanh Phúc, Bí thư Xã đoàn Thạnh Đông A (huyện Tân Hiệp) được Tỉnh đoàn Kiên Giang biểu dương, khen thưởng trong nhiều năm qua vì đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 30 lao động ở địa phương. Anh Phúc cho biết, từ năm 2019, tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng và tham quan thực tế tại một cơ sở trồng gấc, anh đã mạnh dạn cải tạo đất vườn trồng gấc, đồng thời nghiên cứu chế biến tinh dầu gấc và một số sản phẩm khác từ gấc như son môi, bánh phở...
Anh Trần Thanh Phúc giới thiệu sản phẩm của mình cho khách tham quan tại Ngày hội giới thiệu sản phẩm OCOP đồng bằng SCL năm 2024 tại Kiên Giang Sau khi các sản phẩm được khách hàng ủng hộ, anh Phúc vận động thành lập Tổ hợp tác thanh niên trồng gấc xã Thạnh Đông A với 10 thành viên, hơn 15.000 m2 đất sản xuất. Nhờ đó, nguồn nguyên liệu gấc phục vụ cho chế biến sản phẩm được đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Hiện tại, Tổ hợp tác có gần 20 hộ trồng gấc cung ứng cho cơ sở, có từ 5-7 lao động thường xuyên với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng. “Hơn 1 năm đầu, các sản phẩm của tôi chủ yếu được đăng bán trên trang cá nhân nên chưa được nhiều, thu nhập khá khiêm tốn. Tuy nhiên, sau năm 2022, tôi đã mạnh dạn quay clip, chụp ảnh về quy trình trồng, chế biến sản phẩm đăng tải lên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube... giúp mở rộng thị trường và khách hàng. Gần đây, trung bình mỗi tháng cơ sở bán ra từ 700-1.000 sản phẩm, thu nhập từ 50-60 triệu đồng, lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/tháng”, anh Trần Thanh Phúc cho hay. Là mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giành giải Nhất trong cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kiên Giang năm 2023, các tác phẩm tranh gói vải của anh Nguyễn Minh Trí (22 tuổi, xã Vân Khánh Đông, huyện An Minh) ngày càng được nhiều khách hàng yêu thích, số lượng đặt hàng không ngừng tăng. Từ giữa năm 2022, tranh thủ buổi tối rảnh rỗi, anh Trí làm tranh gói vải để tặng một số bạn bè, người thân. Sản phẩm của anh được người thân đăng tải, trên các trang mạng xã hội và được người dùng khen ngợi, thích thú và muốn đặt hàng, vậy là từ đó anh "bén duyên" với nghề làm tranh gói vải.
Anh Nguyễn Minh Trí đang hoàn thành bức tranh gói vải chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh Anh Trí cho hay, tranh gói vải được làm từ vải, bông gòn, giấy mỏng, giấy carton và khung vải lụa trắng làm phông nền. Cách tạo ra một bức tranh gói vải khá kỳ công và trải qua nhiều công đoạn như: Phác thảo nền tranh trên bìa carton, cắt, dán hồ, đắp bông gòn, dán vải, đóng khung. Để làm hoàn thiện một bức tranh thường phải mất từ 7 - 10 ngày. Những bức tranh nếu được bảo quản tốt sẽ có tuổi thọ lên đến 60 năm. Sau 2 năm tập trung với nghề làm tranh gói vải, đến nay, anh Trí làm ra gần 100 bức tranh, tất cả đều làm theo đơn đặt hàng, chủ yếu từ khách hàng theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Telegram, Facebook, Zalo... Khách hàng thường đặt làm tranh chân dung, tranh tượng phật, tượng thờ nghệ thuật, cổ tích, phong cảnh, di tích lịch sử, tranh chân dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... “Trung bình, mỗi tháng khách hàng đặt làm từ 6-8 bức tranh, giá mỗi bức dao động từ 2 triệu đồng trở lên. Trừ chi phí vật tư, tôi thu được trên dưới 20 triệu đồng/tháng. Các nền tảng số giúp ích cho cuộc sống rất nhiều nếu chúng ta biết tận dụng và khai thác. Riêng về mô hình khởi nghiệp tranh gói vải, bên cạnh giúp mở rộng thị trường khách hàng, tiện lợi trong giao dịch, các nền tảng số, nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo còn giúp tôi nâng cao kiến thức, kỹ thuật làm tranh” anh Trí chia sẻ. * Đa dạng hình thức hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Theo anh Phan Đình Nhân, Bí thư Tỉnh đoàn Kiên Giang, Tỉnh đoàn đã hỗ trợ hơn 150 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên tổng số hơn 600 ý tưởng đăng ký tham gia. Một số mô hình khởi nghiệp tiêu biểu như: Dự án nuôi heo sinh sản của anh Nguyễn Văn Quyết; tinh dầu gấc và các sản phẩm từ gấc của anh Trần Thanh Phúc; mô hình tranh gói vải của anh Nguyễn Minh Trí; phân bón hữu cơ của Doanh nghiệp Hứa Trường Giang; rượu nho rừng của anh Danh Nguyên; thương hiệu trà mãng cầu xiêm Hai Đậu... Đến nay, có hơn 20 mô hình khởi nghiệp của thanh niên có thu nhập từ 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng mỗi năm, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động. Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên, thời gian tới, theo anh Phan Đình Nhân, Tỉnh đoàn đẩy mạnh tuyên truyền về khởi nghiệp cho thanh niên; tổ chức các diễn đàn, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành có liên quan với đoàn viên, thanh niên, doanh nhân trẻ nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, lập nghiệp; thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng lực kinh doanh theo chuỗi giá trị trên cơ sở khai thác thế mạnh, tiềm năng sẵn có của vùng, miền, địa phương. Các cấp bộ Đoàn tiếp tục tìm kiếm, sàng lọc và củng cố các ý tưởng khởi nghiệp có tiềm năng; hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ tài chính thông qua các chương trình, chính sách ưu đãi cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. “Đặc biệt, Tỉnh đoàn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nền tảng cho thanh niên về khởi sự kinh doanh, phát triển doanh nghiệp như: Kiến thức về quản trị sản xuất, quản trị nhân sự, quản trị chất lượng, quản trị chuỗi cung ứng, quảng bá sản phẩm trên nền tảng công nghệ số để mở rộng thị trường phân phối sản phẩm, nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất, kinh doanh”, Bí thư Tỉnh đoàn Kiên Giang Phan Đình Nhân nhấn mạnh./.
Văn Sĩ (TTXVN)
Số lần đọc: 616
|
Tin liên quan
|