• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Kể từ hôm nay (1.7), các giao dịch chuyển khoản từ 10 triệu đồng/lần hoặc 20 triệu đồng/ngày đều phải xác thực sinh trắc học. Quy định này nhằm giảm thiểu thiệt hại trong các vụ lừa đảo, song, không có nghĩa là ngăn chặn được các thủ đoạn lừa đảo. Vẫn còn nhiều chiêu trò lừa đảo chuyển tiền không cần xác thực khuôn mặt mà người dân phải cảnh giác.

Trước thời điểm quy định chuyển trên 10 triệu đồng phải xác thực khuôn mặt chính thức có hiệu lực, một loạt vụ lừa đảo đã xảy ra. Mới đây, ngày 11.6, chị T. (SN 1983, trú Q.Cầu Giấy, Hà Nội) nhận được cuộc gọi của đối tượng tự xưng là cán bộ công an P.Trung Hòa, thông báo tài khoản định danh của chị bị lỗi, và hướng dẫn chị cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo. Khi cài đặt xong, nạn nhân phát hiện tài khoản ngân hàng (NH) bị mất hơn 1,2 tỉ đồng. Trường hợp này không phải cá biệt, theo Công an TP.Hà Nội, thời gian qua, xuất hiện các đối tượng giả danh cơ quan công an gọi điện cho người dân hướng dẫn cài đặt phần mềm Dịch vụ công thông qua đường link.

Sau khi người dân cài đặt ứng dụng giả mạo lên điện thoại, đối tượng lừa đảo lập tức chiếm quyền điều khiển (màn hình tối đen, nạn nhân không thao tác được, không tắt nguồn được). Sau khi chiếm quyền sử dụng điện thoại, đối tượng truy cập các ứng dụng NH, ví điện tử trên điện thoại của bị hại và thực hiện giao dịch chuyển tiền để chiếm đoạt. Trước đó, cơ quan chức năng cũng đã ghi nhận nhiều thủ đoạn tương tự như mạo danh Tổng cục Thuế để dẫn dụ nạn nhân tải app giả mạo, sau đó xâm nhập điện thoại để chiếm đoạt tài khoản NH.

Tương tự, chị N.T.P (36 tuổi, quê Quảng Ngãi) bị mất toàn bộ số tiền 19,5 triệu đồng trong tài khoản NH, đây là tiền bán vé số mà chị P. dành dụm để lo cho gia đình. Chuyện là cuối tháng 5, điện thoại người phụ nữ này báo hết gói cước 4G nên chị đã đến một cửa hàng kinh doanh thiết bị di động trên đường Phan Văn Hớn (TP.HCM) để mua gói cước và đưa điện thoại cho nhân viên hỗ trợ đăng ký. Khoảng 20 phút sau, điện thoại chị P. nhận tin nhắn tài khoản trừ số tiền 19,5 triệu đồng. Hiện vụ việc đã được báo lên cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ.

Theo thống kê trên thế giới, lừa đảo trực tuyến chiếm 57% tổng số tội phạm mạng, loại hình này đang gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi; triệt để lợi dụng công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), gây thiệt hại hàng nghìn tỉ USD mỗi năm. Năm 2023, lừa đảo viễn thông và trực tuyến gây thiệt hại 1.026 tỉ USD, tương đương 1,05% GDP toàn cầu. Thống kê của Bộ Công an cũng cho thấy tỷ lệ các vụ phạm tội liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gia tăng từ đầu năm đến nay. Trong đó, cơ quan chức năng tiếp nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỉ đồng, 91% vụ lừa đảo liên quan đến tài chính, 73% người dùng bị lừa qua hình thức tin nhắn, cuộc gọi khi dùng mạng xã hội, điện thoại di động.

Bộ Công an thống kê có 3 nhóm lừa đảo chính với 24 thủ đoạn. Một số phương thức, thủ đoạn phạm tội chủ yếu trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó nổi lên hình thức chiếm đoạt tiền trong tài khoản NH, ví điện tử thông qua sim điện thoại bằng cách yêu cầu người dùng thực hiện "nâng cấp sim điện thoại từ 3G lên 4G, 5G để nâng cao chất lượng truy cập internet…" theo cú pháp được đưa ra để kiểm soát sim điện thoại của người dùng. Khi đó mọi cuộc gọi đến hoặc tin nhắn của nhà cung cấp dịch vụ (tin nhắn thông báo mã OTP…) sẽ bị chuyển hướng đến số điện thoại của đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi để đối tượng chiếm đoạt tiền trong tài khoản NH hoặc ví điện tử của bị hại. Thủ đoạn lợi dụng chủ trương của cơ quan nhà nước về việc chuẩn hóa thông tin số điện thoại, tài khoản NH, kê khai khấu trừ thuế, định danh tài khoản VNeID… (có chứa mã độc) và yêu cầu làm theo hướng dẫn, sau đó chiếm đoạt số điện thoại, sử dụng số điện có được để chiếm đoạt tài sản trong các tài khoản của người dân.

Hoạt động lừa đảo trong lĩnh vực tài chính, NH tiếp tục diễn ra dưới hình thức giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) của các NH thông qua thiết bị BTS giả mạo để lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng; giả mạo nhân viên hoặc thư điện tử của một số NH, tổ chức tài chính dẫn dụ người có nhu cầu vay vốn điền thông tin tài khoản, cung cấp mã OTP để đăng ký vay online hoặc chuyển khoản tiền làm hồ sơ vay vốn sau đó chiếm đoạt tiền của người vay, người cung cấp mã OTP tài khoản NH. Tấn công vào máy chủ nội bộ của NH để chiếm quyền quản trị tài khoản cao nhất, thay đổi thông tin số điện thoại nhận SMS OTP của khách hàng. Sau đó kích hoạt dịch vụ Smart OTP và thực hiện nhiều giao dịch chuyển tiền đến nhiều NH khác để chiếm đoạt.

Hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua nền tảng OTT (Zalo, Facebook, Wechat…), tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều hình thức. Cụ thể dẫn dụ người bán hàng online đăng nhập vào đường link chuyển tiền và cung cấp mã OTP để chiếm đoạt tiền trong tài khoản NH. Ngoài ra, còn có một số thủ đoạn lừa đảo kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền kỹ thuật số, hoạt động kêu gọi làm cộng tác viên của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… Nhiều người lầm tưởng có lợi nhuận nên đã nạp rất nhiều tiền vào tài khoản của các đối tượng, đến khi muốn rút tiền thì không thể rút được.

Né xác thực khuôn mặt

Từ hôm nay 1.7, những vụ lừa đảo tương tự như 2 trường hợp cụ thể nói trên sẽ bị chặn đứng khi quy định chuyển tiền qua tài khoản trên 10 triệu đồng phải xác thực khuôn mặt sẽ có hiệu lực.

Cài đặt thông tin sinh trắc học cho tài khoản ngân hàng

Cụ thể, theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 1.7, chuyển khoản trên 10 triệu đồng/lần hoặc 20 triệu đồng/ngày sẽ phải thực hiện xác nhận sinh trắc học bằng khuôn mặt. Trước tình hình lừa đảo gia tăng và ngày càng tinh vi, nhiều người ngay lập tức đăng ký dịch vụ mới của NH, tiến hành bổ sung thông tin sinh trắc học bằng CCCD gắn chip qua ứng dụng NH.

Thậm chí, chị Hà Thanh (Q.3, TP.HCM) yêu cầu nhân viên NH hướng dẫn đăng ký chuyển khoản dưới 10 triệu đồng cũng thực hiện xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt nhằm đảm bảo an toàn. Tuy nhiên nhân viên NH cho biết hiện hệ thống chỉ mới áp dụng cho lệnh chuyển khoản trên 10 triệu đồng hoặc 20 triệu đồng/ngày, với lệnh chuyển khoản thấp hơn thì vẫn thực hiện xác thực bằng mã OTP.

"Trước một rừng thủ đoạn liên quan đến lừa đảo, tôi muốn cài đặt sinh trắc học trong tất cả các trường hợp chuyển tiền để nếu tài khoản NH bị hack khi điện thoại dính mã độc, bị chiếm quyền kiểm soát… thì cũng không bị mất tiền. Tuy nhiên, quy định như hiện tại thì cũng chỉ có thể hạn chế mức độ rủi ro. Nếu tài khoản chẳng may bị hack thì số tiền thiệt hại cũng sẽ lên gần 20 triệu đồng, tương đương 2 tháng lương chứ không ít", chị Hà Thanh nói.

Đáng nói, vẫn còn rất nhiều thủ đoạn lừa đảo chuyển tiền mà không cần thực hiện xác thực sinh trắc học khuôn mặt mà người dân phải cảnh giác.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) lưu ý: Việc áp dụng xác thực sinh trắc học chỉ có thể giảm thiểu phần nào thiệt hại từ thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt quyền kiểm soát tài khoản NH. Với quy định nói trên, việc áp dụng sinh trắc học giúp giảm thiệt hại cho chủ tài khoản tối đa 20 triệu đồng/ngày khi tội phạm kiểm soát được tài khoản, lấy được mã OTP. Còn trong trường hợp tội phạm sử dụng công nghệ AI, công nghệ Deepfake tinh vi, tìm ra các lỗ hổng nhằm bẻ khóa, vẫn có thể giả mạo dấu hiệu sinh trắc học của con người để chiếm đoạt tài sản. Chưa kể hiện nay, thông qua các trang mạng xã hội, nhiều cá nhân bị lộ thông tin cá nhân, hình ảnh nên trong trường hợp công nghệ ứng dụng sinh trắc học phát triển thì cũng khó có khả năng ngăn chặn lừa đảo.

 

 

Nguồn: thanhnien.vn
Số lần đọc: 298

Tin liên quan