• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Để việc nuôi tôm hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn vệ sinh thực phẩm, hiện các hộ nuôi và doanh nghiệp ở nhiều địa phương đã quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nuôi tôm. Tại tỉnh Kiên Giang, nuôi tôm công nghệ cao và chuyển đổi số trong quá trình nuôi cũng đang bắt đầu được khơi nguồn ở huyện Kiên Lương.

Khu điều hành ứng dụng phần mềm Tomota vào quy trình nuôi tôm công nghệ cao của Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú Kiên Giang.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Kỹ thuật Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Kiên Giang, cho biết: “Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm sẽ áp dụng một số điểm, thứ nhất là đưa tôm nuôi vào nơi có môi trường sạch, bằng cách lót bạc hoàn toàn những ao nuôi; thứ hai là tăng cường lượng ôxy cho những ao nuôi tôm bằng cách tăng cường quạt, tăng cường ôxy; thứ ba là áp dụng những công nghệ nghiên vào nuôi tôm để theo dõi về môi trường, các chỉ tiêu mầm bệnh, và đặc biệt là không kháng sinh trong nuôi tôm".

Cũng theo ông Tuấn, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Kiên Giang đã áp dụng hình thức quy trình nuôi công nghệ cao trên 10 năm, bình quân một ao tôm 800 m2 có sản lượng đạt từ 6,5-12 tấn. Hiện tại vùng nuôi tôm được triển khai ở xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, có diện tích 600 ha với gần 300 ao nuôi. Theo đó, mô hình nuôi tôm thực hiện theo quy trình khép kín và đang trải nghiệm nuôi tôm theo hệ thống ao nổi phủ bạt đáy lắp đặt xi-phong và được nối kết liên hoàn cùng hệ thống ao lắng, lọc, kênh nhân tạo cấp nước vào các ao nuôi, áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận VietGap, GolbalGAP và ASC. 

Mặt khác, năm 2020, nhằm đáp ứng theo từng thị trường xuất khẩu yêu cầu, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú triển khai áp dụng công nghệ mới là quản lý nuôi tôm dựa vào phần mềm ứng dụng Tomota, để hỗ trợ việc nắm bắt tình trạng ao nuôi mọi lúc mọi nơi. Điểm nổi bật về tính năng của phần mềm này có thể thỏa mãn được các điều kiện nhu cầu thị trường về phân tích các dữ liệu và báo cáo về quá trình nuôi và phát triển của tôm, thống kê các số lượng vật tư để phân tích lợi nhuận ở từng ao nuôi/vụ để giảm tình trạng thất thoát lãng phí vật tư. Thông qua điện thoại di động, các chỉ số quan trong của tôm về chiều dài, cân nặng kích cỡ sẽ có độ chính xác trên 95%. Đồng thời, các thiết bị hiện đại như máy quan trắc môi trường nước có thể kiểm tra thông qua ứng dụng trên thiết bị di động, ứng dụng mã QR để truy xuất được nguồn gốc tôm dễ dàng và máy cho tôm ăn tự động, giảm được công lao động. 

Những lợi ích của việc ứng dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi sổ dùng các phần mềm tích hợp quản lý nuôi tôm là một bước tiến quan trọng cho ngành tôm. Việc nuôi tôm công nghệ cao đã được các hộ nuôi quan tâm nhưng áp dụng các phầm mềm quản lý nuôi tôm vẫn còn hạn chế. Hiện chỉ có Tập đoàn Thủy sản Minh Phú và Công ty cổ phần Thủy sản Trung Sơn thực hiện. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu dồi dào nhất vẫn là từ người dân và việc sản xuất tôm sạch đáp ứng nhu cầu xuất khẩu thì rất cần đến việc truy xuất nguồn gốc.

Trong chiến lược phát triển thủy sản, tình Kiên Giang xác định chú trọng đầu tư phát triển nuôi tôm theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn, bền vững và hiệu quả. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, định hướng đến đầu năm 2030, tỉnh quy hoạch diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 145.440 ha có sản lượng trên 159.000 tấn với 3 loại hình nuôi công nghiệp - bán công nghiệp, nuôi quảng cảnh - quảng canh cải tiến và tôm - lúa. Đồng thời, tỉnh phấn đầu 100% vùng nuôi tôm tập trung được kiểm soát môi trường, dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biển đổi khí hậu. 

Hiện tại, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện việc cấp mã số nhận diện cho gần 80% các cơ sở nuôi tôm, sẽ hoàn thành 100% kế hoạch vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, trước những biến đổi về khí hậu, môi trường và những đòi hỏi gắt gao về xuất khẩu tôm thì giải pháp về ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số hóa bằng lưu trữ dữ liệu, thức ăn, cảnh báo môi trường sẽ rất cần thiết. Thiết nghĩ, nuôi tôm theo quy trình an toàn, đạt tiêu chuẩn tôm sạch và để xuất khẩu vào các thị trường khó tính sẽ là giải pháp rất cần đến sự quan tâm của Nhà nước, các cơ quan chức năng và sự hưởng ứng của các hộ nuôi. Từ đó, từng bước thay đổi tư duy đến hành động để nâng cao giá trị tôm và sự phát triển bền vững.

Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 2840

Tin liên quan