• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh), với tên gọi Văn Ba rời bến cảng Nhà Rồng tìm đường cứu nước. Sau khi được tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.

Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng, tìm đường cứu nước.

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các phong trào vũ trang kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta nổi lên mạnh mẽ trong cả nước. Tuy nhiên, do chưa có một đường lối kháng chiến rõ ràng, lại dựa trên ý thức hệ phong kiến, nên các phong trào trên đều thất bại. Vì vậy, phong trào yêu nước chống thực dân Pháp chuyển dần sang xu hướng dân chủ tư sản, nhưng cũng lần lượt thất bại. Sự thất bại của các phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp thời kỳ này đã làm cho cách mạng Việt Nam khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc.

Nguyễn Tất Thành (sau này là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên trong tình cảnh đất nước ta bị thực dân Pháp xâm lược. Người đã chứng kiến sự bóc lột, đày đọa nhân dân ta hết sức tàn bạo của thực dân Pháp; sự hy sinh xương máu to lớn của nhân dân ta nhưng không đạt mục đích giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ. Từ đó, nung nấu lòng căm thù sâu sắc và thôi thúc Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Rút ra những bài học kinh nghiệm của các bậc tiền bối đi trước, Nguyễn Tất Thành không “Đông du" mà chọn con đường “Tây du" sang chính nước Pháp và các nước đế quốc khác “xem họ làm như thế nào để trở về giúp đồng bào". 

Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba rời bến cảng Nhà Rồng tìm đường cứu nước. Cuộc hành trình của Người qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa. Người đã hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa. Với kiến thức sâu rộng và tầm nhìn bao quát, Người rút ra kết luận chính chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa. Sau khi được tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, đó chính là con đường cách mạng vô sản và Người trở thành nhà hoạt động cách mạng quốc tế xuất sắc.

Những năm tháng hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam. Ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Người đã chủ trì hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ra đời, đánh dấu sự phát triển và thống nhất phong trào cách mạng trong cả nước; chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng. Đây là bước ngoặt vô cùng quan trọng của lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc chỉ ra rằng, trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa. 

Với Nguyễn Ái Quốc, được trở về nước để sát cánh cùng đồng chí, đồng bào đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân luôn là nỗi niềm canh cánh trong lòng. Sự kiện Pháp đầu hàng phát xít Đức tháng 6/1940, theo Người: “Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng". Bằng tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Người quyết định chọn Cao Bằng là nơi hội đủ cả “thiên thời, địa lợi và nhân hòa" để xây dựng căn cứ địa cách mạng, nơi “đi đầu trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc" từ đó mở rộng ra toàn quốc. Trong thời gian chuẩn bị về nước, Người đã tổ chức một lớp huấn luyện chính trị cho 40 thanh niên Việt Nam yêu nước tại Nặm Quang, Ngàm Tảy (Trung Quốc), trong đó chủ yếu là người Cao Bằng làm hạt nhân cho việc xây dựng phong trào cách mạng ở địa phương sau này.

Ngày 28/1/1941, đồng bào Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, vinh dự và tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Từ đây, Người trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 1774

Tin liên quan