• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Mỗi khi xuân về, chúng ta lại bồi hồi nhớ lại vần thơ tha thiết, cũng là lời nhắc nhở của Bác Hồ kính yêu về việc nhân dân ta phải trồng cây để giữ lấy màu xanh của đất nước: “Mùa xuân là Tết trồng cây / Làm cho đất nước càng ngày càng xuân". ​

Bác Hồ tham gia trồng cây với nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) mùa xuân năm 1969

“Tết trồng cây" được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động vào ngày 28/11/1959 với mong muốn: “Trong mười năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta…". Sau đó không lâu, chiều 11/1/1960, trên công trường Công viên Thống Nhất, Bác đã tự tay trồng một cây đa trước sự chứng kiến và xúc động của hàng ngàn người ở thủ đô Hà Nội đang hăng hái thi đua lao động xã hội chủ nghĩa, làm cho công viên thêm xanh, sạch, đẹp hơn. Trồng cây xong, Bác ngồi xuống mô đất nhỏ bên gốc cây vừa trồng, giơ tay ra hiệu cho mọi người cùng ngồi, Người nói: “Chúng ta ra sức thi đua làm tốt việc xây dựng vườn hoa. Rồi đây công viên hoàn thành, chiều chiều hay ngày chủ nhật các cô, các chú ra công viên hóng mát xem hoa, ngắm cây cỏ, vui chơi giải trí để rồi lại bắt tay công tác, sản xuất hăng hái hơn...".

Những năm đế quốc Mỹ dùng chất độc hóa học và bom cháy hủy diệt cây cối và những cánh rừng ở miền Nam, Bác đã kêu gọi nhân dân miền Bắc trồng cây vì miền Nam ruột thịt: “Trong lúc giặc dã man rải chất độc màu da cam phá hoại cây cối núi rừng miền Nam, thì ở miền Bắc nhân dân ta thi đua trồng cây gây rừng... Ta trồng cây cho ta và cho cả đồng bào miền Nam nữa". Hàng năm, mỗi khi xuân về, Bác đều nhắc nhở nhân dân tích cực tham gia “Tết trồng cây", bản thân Người cũng trực tiếp trồng cây với đồng bào các địa phương, tạo nên một phong trào sâu rộng, thiết thực trong cả nước. “Tết trồng cây" năm 1965, Bác tham gia trồng cây với cán bộ và nhân dân huyện Đông Anh (Hà Nội) trên toàn tuyến quốc lộ số 3, mà trọng điểm là xã Đông Hội. Khi mọi người đang hăng hái lao động, người đào hố, người đặt cây thì Bác Hồ đến bất ngờ và tự mình trồng một cây đa làm cho ai cũng sung sướng, xúc động. Người căn dặn: “Các cụ, các cô, các chú trồng cây nào, phải trông nom, tưới tắm cây ấy cho thật tốt. Các cháu nhỏ chăn trâu không được làm hư hại cây..."

Mùa xuân Kỷ Dậu năm 1969, sức khỏe của Bác yếu nhiều, việc bố trí để Bác trồng cây ở một địa phương nào đó theo ý Người là vấn đề rất khó khăn. Những người phục vụ Bác rất lo lắng nên nhiều lần đề nghị Bác hoãn lại việc trồng cây. Nhưng Người rất kiên quyết, nói: “Đây là dịp kỷ niệm mười năm ngày phát động “Tết trồng cây" nên các chú phải bố trí cho Bác trồng cây ở một địa phương nào đó có nhiều thành tích...". Sau đó, Bác gợi ý chọn xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) là nơi có phong trào trồng cây tốt để Bác tham gia trồng cây và biểu dương thành tích của xã. Biết được Bác sẽ đến, đông đảo các đại biểu, các tầng lớp nhân dân đã đứng trên những đồi cây từ rất sớm đón Bác. Tại đây, Bác trồng một cây đa, rồi Bác cùng mọi người quây quần dưới tán bạch đàn, Bác thân mật hỏi chuyện và chúc Tết mọi người, Bác nói: “Đất nước này là của chúng ta nên phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi". Mặt trời đầu xuân ấm áp đã lên cao, ai cũng bùi ngùi lưu luyến chia tay Bác và tất cả mọi người có mặt trong buổi Bác trồng cây năm ấy không ai nghĩ rằng đó là mùa xuân cuối cùng và cũng là “Tết trồng cây" cuối cùng của Bác.

Trong suốt 10 năm, kể từ ngày phát động “Tết trồng cây" cho đến lúc đi xa, không khi nào Bác không nhắc nhở, động viên nhân dân tích cực trồng cây, gây rừng góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước. Vô cùng xúc động, trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải sống cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp". Đó chính là lời hiệu triệu của Người đối với mỗi thế hệ người Việt Nam trong việc trồng cây gây rừng để bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 4396

Tin liên quan