• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website

Thói quen làm móng ở phụ nữ có những tác hại nguy hiểm tiềm tàng mà nhiều người ít để ý đến.

 

Khi đi làm móng, do phải ngâm nước lâu và khi cắt móng tay có thể tạo ra những vết xước nên vi trùng dễ xâm nhập, gây bệnh. Móng thường xuyên tiếp xúc với nước có nguy cơ nhiễm nấm, cắt da quanh móng gây nguy cơ nhiễm trùng và viêm quanh móng. Các bệnh này lâu ngày không chữa trị sẽ đưa đến các biến chứng nguy hiểm.

Viêm móng và viêm quanh móng

Tổn thương thường gặp nhất ở những phụ nữ có thói quen làm móng là nấm móng. Nguyên nhân thường do vi khuẩn trychophyton gây ra. Tổn thương bắt đầu từ bờ tự do hay hai cạnh bên của móng. Biểu hiện ban đầu là móng  sẽ mất bóng, giòn, dày lên và có màu bẩn.
 
Trên mặt móng bị lỗ chỗ hoặc có những đường rãnh. Dưới móng có nhiều bột vụn, kèm theo đó là tình trạng viêm quanh móng, tuy nhiên viêm quanh móng có khi xảy ra nhưng có khi không. Về sau, móng sẽ bị lẹm dần, phần còn lại xù xì vàng đục.

Bệnh lan từ móng này sang móng kia, tiến triển kéo dài hàng tháng, hàng năm. Thầy thuốc sẽ chẩn đoán bằng cách cạo bột vụn, nhỏ KOH, đốt, xem dưới kính hiển vi thấy sợi tơ nấm có vách ngăn (với điều kiện bệnh nhân chưa thoa hay ngưng thoa thuốc kháng nấm một tuần).

Viêm móng và viêm quanh móng do vi nấm hạt men candida ablicans cũng là tình trạng thường gặp ở những phụ nữ làm đẹp móng ở tiệm. Khi gặp điều kiện thuận lợi như ngâm tay, ngâm chân thường xuyên trong nước, suy giảm sức đề kháng trong cơ thể như: đái tháo đường, uống kháng sinh, corticoid lâu ngày,... sẽ tạo điều kiện cho vi nấm phát triển. Móng hư từ chân móng trở ra. Móng cứng, sần sùi, màu nâu bẩn, không có bột vụn dưới móng. Nếp da quanh móng sưng, đỏ, đau. Ấn vào có thể có mủ chảy ra do viêm quanh móng.

Tại tiệm, thợ làm móng cắt vào da, vệ sinh không kỹ cũng dễ gây ra nhiễm trùng quanh móng hay là viêm quanh móng, thường do nhiễm vi trùng staphylococcus aureus đi vào cơ thể người bằng cách xâm nhập qua vết xước, vết cắt móng. Tình trạng này còn gọi là nhiễm trùng đầu ngón tay. Triệu chứng bao gồm sưng đỏ vùng da quanh móng, đau nhức và ấn ra dịch màu vàng xanh.
 
Nhiều trường hợp bị nhiễm trùng ngón cái nặng sau khi làm móng ở tiệm.

Nhiễm trùng nặng phải phẫu thuật

Trường hợp bị nấm móng, nếu bệnh nhân mới có một phần móng bị bệnh, bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc kháng nấm nhưng bệnh nhân phải giũa cho hết chỗ móng bệnh và một phần móng lành rồi bôi thuốc kháng nấm. Nếu bệnh đã diễn tiến nặng và toàn bộ móng bệnh thì uống các thuốc kháng nấm. Trong trường hợp móng tổn thương bắt buộc phải kết hợp với rút móng để chờ mọc lại móng mới thì thời gian uống thuốc ngắn hơn.

Để phòng ngừa và điều trị viêm móng, không nên ngâm tay và chân vào nước thường xuyên. Tuy nhiên, điều này rất hay gặp ở người làm móng. Nếu bệnh nhân có kèm thêm những bệnh khác làm giảm sức đề kháng càng tạo điều kiện cho viêm móng phát triển.

Nên chữa các bệnh làm giảm sức đề kháng như tiểu đường, ngưng kháng sinh và corticoid nếu có thể được (phải thông qua ý kiến bác sĩ). Cần phải thoa thuốc tại chỗ trên móng các dẫn xuất của imidazole. Trong trường hợp nặng, uống thuốc fluconazole, itraconazole,...

Còn trường hợp nhiễm trùng đầu ngón tay, nếu chỉ tổn thương và nhiễm trùng nhẹ, bệnh nhân chỉ cần chườm nóng, sát khuẩn bằng cồn, bôi kháng sinh tại chỗ, trong trường hợp nặng hơn thì uống kháng sinh. Nếu nhiễm trùng lan rộng gây hoại tử thì việc điều trị bao gồm phẫu thuật lấy xương hoại tử ra, bảo tồn gân cơ.

Vì vậy, chị em phụ nữ không nên cắt móng ở tiệm vì thói quen cắt móng sẽ đưa đến móng và vùng da xung quanh móng dày thêm càng khiến chị em lại cắt móng nhiều hơn đem lại nhiều mối nguy hiểm như trên, chưa kể lây truyền các bệnh truyền nhiễm như: viêm gan siêu vi B, C, HIV....
 
Trong trường hợp tổn thương viêm phát triển rộng cả vùng móng sưng to đau, lúc này tình trạng nhiễm khuẩn ăn sâu vào mô mỡ dưới da, bệnh nhân sẽ đau nhức đến nỗi mất ăn, mất ngủ, đôi khi thấy đau giật thì phải trích, rạch, dẫn lưu, có khi phải tháo móng. Sau khi khỏi, móng tay có thể mọc trở lại, nhưng xấu hoặc méo mó. Để hồi phục hoàn toàn có khi phải mất 2, 3 tháng. Trường hợp nặng nhất, có thể xem như biến chứng nếu tiếp tục không được điều trị hoặc rạch không đủ sâu để dẫn lưu mủ, gây viêm xương, viêm khớp hoặc viêm bao hoạt dịch gân gấp.
 
  • Theo Người Lao Động
Số lần đọc: 38945

Tin liên quan