• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website


Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Ngành Ngoại giao, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên và nguyên Đại sứ Việt Nam tại năm nước Bắc Âu Phạm Ngạc kể những mẩu chuyện chung quanh tài ngoại giao của Bác Hồ.

1. Bác Hồ với Thủ tướng Ấn Độ Nehru

Tại cuộc đối thoại với các đoàn viên thanh niên ngành ngoại giao chiều ngày 25-8 vừa qua tại Hà Nội, một bạn trẻ đề nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên kể về những kỷ niệm khi ông làm phiên dịch cho Bác Hồ.

ng Nguyễn Dy Niên, năm nay 70 tuổi, 51 năm làm việc trong ngành ngoại giao, đã kể cho các đoàn viên thanh niên nghe câu chuyện còn ít người biết dưới đây.

Năm 1958 Bác Hồ sang thăm Ấn Độ. Trước đó, tôi được cử sang Ấn Độ học tiếng Hindhi, chuẩn bị cho chuyến thăm này của Bác Hồ và vinh dự được làm phiên dịch cho Bác trong thời gian Người ở thăm Ấn Độ.

Ấn tượng sâu sắc và vinh dự to lớn đối với tôi là lần đầu tiên được đọc bài diễn văn của Bác đã dịch sẵn sang tiếng Hindhi. Trong cuộc mít-tinh có hàng vạn người dự tại Red Fort (Thành Đỏ) ở thủ đô Delhi, các bạn Ấn Độ làm sẵn một cái ghế cho Bác Hồ ngồi trên bục danh dự. Chiếc ghế trông như một cái ngai vàng, rất lớn. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ ngày ấy là J. Nehru thì chỉ ngồi một chiếc ghế bình thường như mọi người khác. Khi Thủ tướng Nehru mời Bác Hồ ngồi vào chiếc ghế đó, Bác dứt khoát từ chối. Thấy vậy, Thủ tướng Nehru nói: Ngài là khách danh dự của chúng tôi, việc Ngài ngồi lên chiếc ghế này chính là niềm vinh dự của chúng tôi mà...

Chứng kiến điều này, hàng vạn người dự mít tinh phía dưới quảng trường đứng cả lên xem. Hai vị lãnh tụ của hai nước cứ nhường nhau, cuối cùng chẳng ai ngồi lên chiếc ghế lớn ấy. Thủ tướng Nehru đành gọi người cho chuyển chiếc ghế đi, thay bằng một chiếc ghế khác giản dị hơn. Thấy vậy, hàng vạn người dân Ấn Độ dưới quảng trường rất cảm kích vỗ tay vang dội và hô rất to: "Hồ Chí Minh muôn năm!" Hồ Chí Minh muôn năm!". Chuyện này được người Ấn Độ sau đó kể lại rất nhiều, trở thành một huyền thoại của họ về Bác Hồ.

Trong chuyến thăm này, trong một bữa tiệc do Thủ tướng Nehru chiêu đãi Bác Hồ có món thịt gà địa phương rất nổi tiếng. Người Ấn Độ khi ăn cơm không dùng thìa, dĩa mà dùng năm ngón tay để bốc thức ăn. Cả Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cũng muốn dùng tay bốc thức ăn. Nhưng tại bữa tiệc quốc tế người ta phải dùng dao, thìa, dĩa cho lịch sự. Khi món thịt gà được đưa ra, các quan khách Ấn Độ có vẻ không quen dùng dao, dĩa. Bác Hồ rất tinh ý, Người nói với Thủ tướng Nehru: Thịt gà phải ăn bằng tay thì mới ngon chứ còn ăn bằng thìa dĩa thì khác nào nói chuyện với người yêu lại phải qua ông phiên dịch. Nghe Bác Hồ nói vậy, cả bàn tiệc cười ầm cả lên làm cho không khí bữa tiệc hôm đó rất vui vẻ và thân mật.

2. Những bài học của Bác

Nhân tham gia hiệu đính bản dịch tiếng Anh cuốn sách Tư tưởng Ngoại giao Hồ Chí Minh , tôi nhớ lại những kỷ niệm và bài học Bác dạy về công tác đối ngoại.

Bác luôn kịp thời uốn nắn tác phong đối ngoại của cán bộ. Khi qua Bắc Kinh trong thời gian Trung Quốc có khó khăn về kinh tế những bữa ăn vẫn rất nhiều món, một cán bộ Việt Nam đi theo thích thú gắp ăn thử tất cả các món. Bác nhắc nhở: Chú thích nhất món nào thì ăn món đó, để lại các món khác, tiết kiệm cho bạn.

Bác có biệt tài tiếp khách và gây ấn tượng sâu sắc với khách quốc tế, đồng thời cũng rất cảnh giác. Một lần tiếp đoàn thể thao nước ngoài, khi giới thiệu tới Phó đoàn, Bác nói ngay: Tôi biết ông này. Phó đoàn (sĩ quan tình báo) sau đó thú nhận, khi Bác sang thăm nước ông ta, ông đóng vai sĩ quan cận vệ, không ngờ sang Việt Nam mặc thường phục Bác vẫn nhận ra.

Ngày nay ta nêu cao và thực hiện rất hiệu quả chính sách ngoại giao rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước. Thực tế đường lối đối ngoại này đã được Bác khởi xướng và đặt nền móng ngay từ khi Người bắt đầu hoạt động cách mạng.

Sau khi đi đến hầu hết các châu lục và sào huyệt của chủ nghĩa thực dân để tìm hiểu tình hình, Người đã giương cao ngọn cờ đoàn kết các dân tộc thuộc địa, tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, đòi quyền lợi tại Hội Quốc Liên (sau Thế chiến I), tại Hiến chương Đại Tây Dương và sau này là Liên Hợp Quốc (sau Thế chiến 2), cộng tác chặt chẽ với đồng minh chống Nhật. Người đã chủ động giúp đỡ và cộng tác với các sĩ quan tình báo của Mỹ, bố trí hai sĩ quan Mỹ cùng ở sát bên mình trong an toàn khu để theo dõi tình hình thế giới và liên lạc với đồng minh. Việc đó đã chinh phục tình cảm của Trung úy Patti và cộng sự cho mãi đến sau này.

Theo website Bộ Ngoại giao

 

Số lần đọc: 2645

Tin liên quan