• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website

A- Công tác kiểm tra, giám sát của Đoàn            
 
I- Lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát          
 
Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn các cấp lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát thông qua việc:
+ Ban hành các văn bản chỉ đạo (nghị quyết, quy chế, quy định, hướng dẫn,…) về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật theo thẩm quyền;
+ Chỉ đạo cấp bộ đoàn cấp dưới, các ban chuyên môn và Uy ban kiểm tra cùng cấp xây dựng, thực hiện phương hướng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong từng thời gian; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật;
+ Lãnh đạo, chỉ đạo về tổ chức và hoạt động của Uỷ ban kiểm tra; quyết định quy chế làm việc của Uỷ ban kiểm tra; quyết định việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra của Đoàn theo thẩm quyền về công tác cán bộ;
+ Trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số hoạt động kiểm tra, giám sát khi cần thiết.
           
II- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát
         
Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn các cấp xây dựng kế hoạch trong đó xác định rõ nội dung, đối tượng, thời gian, phương pháp tiến hành kiểm tra, giám sát; tổ chức phối hợp lực lượng, phân công cụ thể từng Uỷ viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và các Ban chức năng của Đoàn tiến hành kiểm tra, giám sát.
           
III- Nội dung kiểm tra, giám sát: 
         
Việc thực hiện nghị quyết đại hội Đoàn cùng cấp và cấp trên, các chỉ thị nghị quyết, các chủ trương công tác của Đoàn, việc chấp hành Điều lệ, các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đoàn.
Căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế ở từng thời điểm, cấp bộ Đoàn và Uỷ ban kiểm tra các cấp lựa chọn, cụ thể hóa nội dung kiểm tra, giám sát cho phù hợp.
 
B- Uỷ ban kiểm tra các cấp của đoàn
           
I- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban kiểm tra 
         
1- Chức năng:
- Kiểm tra, giám sát cán bộ, đoàn viên (kể cả Uỷ viên Ban Chấp hành cùng cấp) và tổ chức Đoàn cấp dưới thực hiện các nghị quyết, chủ trương công tác của Đoàn, chấp hành Điều lệ Đoàn;
- Tham mưu cho cấp bộ Đoàn cùng cấp về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đoàn, đại diện quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, thanh niên.
- Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát đối với cấp bộ đoàn và Uỷ ban kiểm tra cấp dưới.
         
2. Nhiệm vụ:
Uỷ ban kiểm tra các cấp của Đoàn có 06 nhiệm vụ (theo quy định tại Điều 25 Chương VI Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh). Bao gồm:
 
a- Tham mưu cho các cấp bộ Đoàn kiểm tra việc thi hành Điều lệ, nghị quyết, chủ trương của Đoàn.
- Nội dung:
+ Kiểm tra thực hiện Điều lệ Đoàn và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn;
+ Kiểm tra việc triển khai, thực hiện nghị quyết và các chủ trương công tác của Đoàn đối với cán bộ, đoàn viên, tổ chức Đoàn cấp dưới;
         
- Qua kiểm tra, cần chú ý:
+ Đánh giá được hiệu quả các chủ trương công tác của Đoàn, chất lượng các hoạt động và phong trào do Đoàn chỉ đạo, tổ chức;
+ Đề xuất để kịp thời uốn nắn những khuyết điểm, lệch lạc trong việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết ;
+ Phát hiện và đề xuất nhân rộng điển hình nhân tố mới;
         
b- Kiểm tra cán bộ, đoàn viên (kể cả Uỷ viên Ban Chấp hành cùng cấp) và tổ chức Đoàn cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đoàn.
- Những yếu tố để phát hiện cán bộ, đoàn viên và tổ chức Đoàn có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đoàn:
+ Qua theo dõi nắm tình hình;
+ Qua các ý kiến phản ánh trực tiếp (có biên bản, băng ghi âm) hoặc đơn, thư của cán bộ, đoàn viên, thanh niên và nhân dân;
+ Qua các phương tiện thông tin đại chúng;…
- Những điều cần lưu ý:
+ Đối với cán bộ thuộc diện cấp bộ Đoàn cùng cấp hoặc cấp bộ Đoàn cấp trên quản lý, khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Đoàn thì Uỷ ban kiểm tra nơi phát hiện dấu hiệu phải báo cáo cấp bộ đoàn cùng cấp và Uỷ ban kiểm tra cấp trên trước khi tiến hành kiểm tra.
+ Sau khi kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm phải có kết luận, nếu đến mức phải kỷ luật thì phải đề xuất hình thức kỷ luật và biện pháp giải quyết với cấp bộ Đoàn cấp có thẩm quyền.
         
c- Kiểm tra việc thi hành kỷ luật của tổ chức Đoàn cấp dưới.
- Nội dung kiểm tra:
+ Phương hướng, phương châm trong thi hành kỷ luật;
+ Nguyên tắc, thủ tục, thẩm quyền thi hành kỷ luật;
+ Việc thực thi quyết định kỷ luật, theo dõi công nhận tiến bộ;
+ Việc giải quyết đơn thư khiếu nại về kỷ luật;
         
- Khi kiểm tra việc thi hành kỷ luật, Uy ban kiểm tra có thể xem xét các vụ kỷ luật đã được xử lý nhưng có dấu hiệu xử lý không đúng để kiến nghị cấp bộ Đoàn có thẩm quyền xem xét, quyết định.
          
d- Giám sát Uy viên Ban Chấp hành, cán bộ cùng cấp và tổ chức Đoàn cấp dưới trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết, quy định của Đoàn.
- Đối tượng giám sát:
+ Uỷ viên Ban Chấp hành, cán bộ đoàn cùng cấp;
+ Tổ chức Đoàn cấp dưới và cán bộ, đoàn viên.
        
- Nội dung giám sát:
+ Giám sát tổ chức Đoàn cấp dưới trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương công tác của Đoàn; việc chấp hành Điều lệ và các quy định của tổ chức Đoàn.
+ Giám sát cán bộ, đoàn viên trong việc chấp hành Điều lệ Đoàn, thực hiện các nghị quyết, quy định, quyết định của Đoàn; việc thực hiện các tiêu chuẩn cán bộ, đoàn viên theo quy định của Đảng, Nhà nước và của Đoàn; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống;...
         
- Cách thức tiến hành giám sát:
+ Phân công Uỷ viên Uỷ ban kiểm tra trực tiếp, thường xuyên theo dõi địa bàn, lĩnh vực, nắm tình hình phục vụ cho việc phát hiện dấu hiệu vi phạm nếu có;
+ Cử cán bộ dự các hội nghị, hoạt động của cấp bộ Đoàn hoặc tổ chức Đoàn được giám sát.
+ Tổ chức các đoàn giám sát tại địa phương, đơn vị;
+ Trao đổi, nắm tình hình từ các tổ chức trong hệ thống chính trị, các cơ quan bảo vệ pháp luật, dư luận quần chúng thanh thiếu nhi và nhân dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và đơn thư khiếu nại, tố cáo.
+ Xem xét các văn bản, báo cáo của tổ chức Đoàn cấp dưới.
         
e- Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ Đoàn; tham mưu cho cấp bộ Đoàn về việc thi hành kỷ luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, thanh niên.
- Khi nhận được đơn khiếu nại tố cáo của cán bộ, đoàn viên, nếu thuộc thẩm quyền giải quyết thì Uỷ ban kiểm tra các cấp có trách nhiệm thẩm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị xử lý và trả lời cho người có đơn. Thời hạn giải quyết lần đầu không quá 30 ngày đối với khiếu nại, 60 ngày đối với tố cáo kể từ ngày thụ lý giải quyết; đối với các vụ việc phức tạp liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài  nhưng thời gian kéo dài thêm không quá 45 ngày đối với khiếu nại, 90 ngày đối với tố cáo.
- Những tố cáo, khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết thì chuyển cho cơ quan chức năng xem xét, giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo biết.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại, tố cáo không đồng ý thì có quyền khiếu nại lên cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo. (Đối với khu vực đi lại khó khăn thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày). Thời gian giải quyết mỗi lần tiếp theo không quá 45 ngày kể từ ngày thụ lý để giải quyết, đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết. Người khiếu nại không gửi đơn khiếu nại tố cáo đến nhiều cấp, nhiều ngành cùng một lúc; trong thời gian cấp có thẩm quyền đang xem xét, kết luận, người khiếu nại không gửi đơn khiếu nại tố cáo đi các cấp, các ngành...
- Đối với đơn tố cáo không ghi danh, không rõ địa chỉ và những đơn đã được cấp có thẩm quyền xem xét kết luận nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới; những đơn tố cáo sao chụp chữ ký, đơn tố cáo tập thể thì không xem xét giải quyết; trường hợp đơn tố cáo không ghi danh, không rõ địa chỉ người tố cáo nhưng nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì Uỷ ban kiểm tra tiến hành kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm (khoản 2, Điều 25 Điều lệ Đoàn).
- Trường hợp đơn khiếu nại tố cáo có nội dung, tính chất phức tạp, có liên quan đến nhiều cấp thì Uỷ ban kiểm tra, cấp bộ Đoàn cấp trên trực tiếp có thể xem xét giải quyết
- Đối với đơn, thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đại biểu đại hội hoặc hội nghị đại biểu của Đoàn, thì chỉ nhận và xem xét, giải quyết đơn thư đó nếu được gửi đến trước đại hội, hội nghị đại biểu ít nhất 10 ngày.
- Trong khi giải quyết đơn khiếu nại tố cáo, Uỷ ban kiểm tra phải đảm bảo khách quan, trung thực, đúng pháp luật và đúng quy định của Điều lệ Đoàn, không được quy chụp, trù úm người có đơn khiếu tố. Sau khi giải quyết xong phải báo cáo với cấp bộ Đoàn có thẩm quyền xử lý.
         
g- Kiểm tra công tác đoàn phí; việc quản lý, sử dụng tài chính và các nguồn thu khác của các đơn vị trực thuộc và tổ chức Đoàn cấp dưới.
Hằng năm các cấp bộ Đoàn, Uỷ ban kiểm tra xây dựng kế hoạch, tiến hành kiểm tra công tác đoàn phí, việc quản lý sử dụng tài chính và các nguồn thu khác của các đơn vị trực thuộc và tổ chức Đoàn cấp dưới, cụ thể như sau:
         
- Kiểm tra công tác đoàn phí:
+ Đối với đoàn viên: Kiểm tra ý thức, trách nhiệm đóng đoàn phí của đoàn viên (thể hiện ở thời gian đóng đoàn phí và mức đóng đoàn phí).
+ Đối với tổ chức đoàn:
• Kiểm tra việc thu, nộp đoàn phí, thời gian nộp, tỷ lệ trích nộp lên Đoàn cấp trên.
• Kiểm tra việc quản lý và sử dụng đoàn phí: mục đích, nội dung sử dụng, việc thực hiện các quy định về chế độ thanh quyết toán, việc mở sổ sách theo dõi theo quy định của Nhà nước.
         
- Kiểm tra tài chính của Đoàn:
+ Đối với ngân sách nhà nước cấp: Kiểm tra việc sử dụng ngân sách Nhà nước cấp cho các hoạt động của Đoàn (chỉ kiểm tra khi thấy có dấu hiệu vi phạm và có sự đồng ý của Ban Thường vụ Đoàn cùng cấp). Khi tiến hành kiểm tra cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính.
+ Đối với các nguồn thu khác: Tiến hành kiểm tra khi có sự đồng ý của Ban Thường vụ Đoàn cùng cấp; trong đó chú ý các khoản phân phối cho cán bộ, nhân viên, đầu tư cho sản xuất, làm công tác từ thiện và giúp đỡ cơ sở, để lại quỹ phúc lợi của cơ quan đơn vị... Kiểm tra việc sử dụng nguồn thu này có đúng quy định của Nhà nước, có hợp lý, công bằng đảm bảo nguyên tắc bàn bạc tập thể hay không.
+ Kiểm tra việc thanh, quyết toán các loại sổ sách, hoá đơn chứng từ theo quy định của Nhà nước.
         
3- Quyền hạn:
a- Quyền được kiểm tra, giám sát cán bộ, đoàn viên và tổ chức Đoàn cấp dưới theo quy định của Điều lệ và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Đoàn.
 
b- Quyền được yêu cầu:
- Được yêu cầu tổ chức Đoàn cấp dưới, cán bộ, đoàn viên và những người có liên quan báo cáo, cung cấp tài liệu, chứng từ và các vấn đề khác có liên quan trong quá trình kiểm tra.
- Được tham dự các hội nghị của cấp bộ đoàn cùng cấp và cấp dưới khi giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác kiểm tra.
         
c- Quyền được đề nghị:
- Đề nghị Đoàn cấp trên, các cơ quan của Đảng, Nhà nước trả lời, giải quyết những đơn thư khiếu tố của đoàn viên, thanh niên.
- Đề nghị cấp bộ Đoàn thi hành kỷ luật cán bộ, đoàn viên; đề nghị xoá tên các uỷ viên Ban Chấp hành hay Uỷ viên ban kiểm tra cùng cấp và cấp dưới theo đúng tính chất và mức độ vi phạm.
        
d- Quyền được đề nghị chuẩn y, thay đổi hoặc xoá bỏ các quyết định về kỷ luật của tổ chức Đoàn và Uỷ ban kiểm tra cấp dưới:
Trong quá trình giải quyết đơn, thư khiếu nại về kỷ luật hoặc kiểm tra việc thi hành kỷ luật của tổ chức Đoàn cấp dưới đối với cán bộ, đoàn viên và tổ chức Đoàn, nếu phát hiện thấy trường hợp xử lý kỷ luật không đúng, Uỷ ban kiểm tra cấp trên có quyền yêu cầu Đoàn cấp dưới sửa đổi; nếu Đoàn cấp dưới không sửa đổi thì Uỷ ban kiểm tra cấp trên có quyền báo cáo cấp bộ Đoàn cùng cấp hoặc cấp trên thay đổi hoặc xoá bỏ các quyết định về kỷ luật đó.
           
II- Cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn ủy viên của uỷ ban kiểm tra
1- Cơ cấu, số lượng:
- Uỷ ban kiểm tra mỗi cấp gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Uỷ viên. Ngoài số uỷ viên chuyên trách công tác tại cơ quan thường trực của uỷ ban kiểm tra, cần có một số uỷ viên đại diện cho các ban phong trào, đại diện Đoàn cấp dưới, nên có Uy viên là cán bộ, đoàn viên công tác tại cơ quan nội chính am hiểu pháp luật, nghiệp vụ kiểm tra, giám sát để giúp Uỷ ban kiểm tra hoạt động hiệu quả.
- Cơ cấu, số lượng của Uỷ ban kiểm tra từng cấp cụ thể như sau:
         
a- Uỷ ban kiểm tra Trung ương Đoàn:
- Số lượng từ 11 đến 15 uỷ viên
- Cơ cấu gồm: Chủ nhiệm là Bí thư Trung ương Đoàn hoặc Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn; các Phó Chủ nhiệm; một số Uỷ viên chuyên trách công tác tại cơ quan thường trực, một số Uỷ viên đại diện cho các ban, các đơn vị thuộc Trung ương Đoàn, một số Uỷ viên đại diện cho các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc Trung ương Đoàn.
         
b- Uỷ ban kiểm tra tỉnh, thành đoàn, Đoàn trực thuộc Trung ương.
- Số lượng từ 5 đến 9 uỷ viên, riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nên có từ 7 - 11 uỷ viên.
- Cơ cấu gồm: Chủ nhiệm là Phó Bí thư hoặc Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh, thành Đoàn; từ 1 đến 2 Phó Chủ nhiệm, số còn lại là các Uy viên, trong đó:
+ Từ 1 đến 3 uỷ viên chuyên trách ở cơ quan thường trực Uỷ ban kiểm tra.
+ Từ 1 đến 2 uỷ viên là Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra Đoàn cấp quận, huyện trực thuộc tỉnh.
+ Một số uỷ viên đại diện cho các ban của tỉnh, thành đoàn, cán bộ, đoàn viên công tác tại các cơ quan nội chính am hiểu pháp luật, nghiệp vụ kiểm tra, giám sát.
         
c- Uỷ ban kiểm tra cấp huyện và tương đương:
- Số lượng 5 - 7 đồng chí.
- Cơ cấu gồm: Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra là Phó Bí thư hoặc Uỷ viên Ban Thường vụ Đoàn cấp huyện và tương đương;  Phó Chủ nhiệm là cán bộ chuyên trách công tác tại cơ quan quận, huyện Đoàn, còn lại các Uỷ viên là các đồng chí phụ trách công tác kiểm tra tại Đoàn cơ sở (doanh nghiệp, trường học, địa bàn dân cư,…) và đại diện khối nội chính hoặc các phòng ban của quận, huyện.
         
2- Tiêu chuẩn uỷ viên uỷ ban kiểm tra:
Ngoài các tiêu chuẩn chung theo quy định của Đảng, của Đoàn cần có các tiêu chuẩn sau:
- Gương mẫu thực hiện Điều lệ Đoàn, các nghị quyết của Đoàn, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
- Có tinh thần trách nhiệm cao, tác phong khiêm tốn, được quần chúng tín nhiệm.
- Nhiệt tình năng động sáng tạo, có năng lực nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát và công tác xây dựng Đoàn, có kinh nghiệm công tác Đoàn và công tác vận động quần chúng.
Căn cứ các quy định này, khi bầu Uy ban kiểm tra, Ban Chấp hành đoàn có thể đề ra tiêu chuẩn cao hơn hoặc cụ thể hơn đối với Uỷ viên Uỷ ban kiểm tra cấp mình cho phù hợp.
          
III- Nguyên tắc hoạt động, chế độ làm việc của uỷ ban kiểm tra
- Uỷ ban kiểm tra các cấp làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ và chế độ tập thể, khi quyết định thì thiểu số phục tùng đa số; mỗi uỷ viên phải chấp hành và chịu trách nhiệm trước Uỷ ban kiểm tra về nhiệm vụ được phân công;
- Uỷ ban kiểm tra chịu sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đoàn cùng cấp và sự hướng dẫn, chỉ đạo của uỷ ban kiểm tra cấp trên về phương hướng nhiệm vụ, nghiệp vụ công tác kiểm tra;
- Quy chế hoạt động của Uỷ ban kiểm tra do Ban Chấp hành Đoàn cùng cấp ban hành;
- Uỷ ban kiểm tra được sử dụng con dấu riêng trong hoạt động;
- Uỷ ban kiểm tra các cấp họp định kỳ 1 năm 2 lần, họp bất thường khi cần. Trong các phiên họp, ngoài việc giải quyết các công việc cụ thể, Uỷ ban kiểm tra cần kiểm điểm việc thực hiện 6 nhiệm vụ do Điều lệ quy định, quyết định trọng tâm, phương hướng công tác mới.
- Những cấp có cơ quan thường trực của Uỷ ban kiểm tra, cơ quan thường trực làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ và chế độ thủ trưởng. Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra đồng thời lãnh đạo cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước cơ quan chuyên trách của Đoàn về quản lý cán bộ và cơ sở vật chất được giao để thực hiện nhiệm vụ.
- Nếu vì lý do đặc biệt mà Ban Chấp hành chưa bầu được Uỷ ban kiểm tra thì có thể đề nghị cấp bộ Đoàn cấp trên trực tiếp chỉ định.
+ Hồ sơ đề nghị chỉ định gồm: Công văn đề nghị của Ban Chấp hành; danh sách và tóm tắt lý lịch của các uỷ viên chỉ định.
+ Thời gian hoạt động Uỷ ban kiểm tra chỉ định không được kéo dài quá hai kỳ họp của Ban Chấp hành cùng cấp.
+ Uỷ ban kiểm tra được chỉ định có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn như Uỷ ban kiểm tra do Ban Chấp hành bầu.

 

Số lần đọc: 2675

Tin liên quan