• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Năm qua, lực lượng Công an các cấp trong tỉnh đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm và vi phạm pháp luật; đã triển khai thực hiện nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm đạt nhiều kết quả tích cực, kiềm chế sự gia tăng của một số loại tội phạm, từ đó, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh được kéo giảm, góp phần giữ vững tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, một số loại tội phạm và vi phạm pháp luật một số nơi diễn biến phức tạp, trong đó tội phạm xâm hại tình dục trẻ em không ngừng gia tăng, là nỗi đau của gia đình và xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, hoang mang cho nhiều bậc phụ huynh; để lại hậu quả nghiêm trọng, không chỉ về thể chất, mà còn ảnh hưởng lâu dài về tinh thần, khó khắc phục đối với trẻ em; việc xâm hại trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, từ cơ sở giáo dục, gia đình các em đang sinh sống v..v…; các đối tượng xâm hại trẻ em đa phần là người quen, thậm chí là người thân trong gia đình, người nuôi dưỡng, người chăm sóc trẻ em.

Ảnh minh họa

Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, ngừa xâm hại tình dục trẻ em. Cần nhận biết về nguyên nhân, các thủ đoạn và các biện pháp phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em như sau:

1. Nguyên nhân của hiện trạng xâm hại tình dục trẻ em

- Nguyên nhân chủ quan:

Sự hạn chế, non nớt về nhận thức, thiếu khả năng, kỹ năng tự bảo vệ bản thân của trẻ em; chưa nhận thức về các hình thức, hành vi xâm hại tình dục; một số trẻ em thậm chí còn hiếu kỳ, thích tìm tòi, khám phá về giới tính, tiếp xúc sớm với các văn hóa phẩm độc hại, không lành mạnh; một số hành vi xâm hại trẻ em của các đối tượng chưa bị tố giác kịp thời trước pháp luật; thậm chí vì những đối tượng xâm hại trẻ em là người thân quen nên được che giấu, không dám tố cáo…

- Nguyên nhân khách quan:

+ Một số phụ huynh, người nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em thiếu kiến thức, kỹ năng để dạy trẻ em; thiếu quan tâm giáo dục, dạy trẻ giới tính, về cách nhận biết các hành vi, các nguy cơ và các biện pháp phòng ngừa xâm hại tình dục cho trẻ em.     

+ Công tác tuyên truyền về phòng, ngừa xâm hại tình dục trẻ em của cơ sở giáo dục, xã hội còn xem nhẹ, nhất là truyền thông giáo dục giới tính, cũng như các biện pháp giáo dục trẻ em về cách tự bảo vệ bản thân; do những yếu tố tác động tiêu cực từ mặt trái của công nghệ, nhiều hình ảnh, video xấu độc tràn lan trên mạng…

2. Thủ đoạn

Các đối tượng thường khoanh vùng, tìm và nhắm đến những trẻ em không có khả năng, kỹ năng bảo vệ bản thân, những trẻ em dễ bị tổn thương, có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ, người nuôi dưỡng, chăm sóc, trẻ em bị bạo hành, bị bỏ rơi… để làm quen, tiếp xúc, lợi dụng lúc cha mẹ vắng nhà, tạo sự tin tưởng, dụ dỗ, tạo niềm tin với trẻ, cho, tặng quà, đe dọa, khống chế nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em.

4. Biện pháp phòng ngừa

- Không đi một mình ở nơi vắng vẻ; không ở chung phòng kín một mình với người lạ; không nhận tiền, quà của người lạ; không cho người lạ vào nhà khi có một mình ở nhà; không đi nhờ xe hoặc đi chơi với người lạ; khi người khác có hành động không đúng mực, cảm thấy bất an, tiến lại gần có cử chỉ thân mật, đụng chạm vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể thì trẻ em cần phải phản ứng quyết liệt, dứt khoát như: xua tay, hét to, bỏ chạy, thông báo cho người xung quanh, người lớn biết.

- Cha, me, người nuôi dưỡng, người chăm sóc thường xuyên quan tâm dạy cho trẻ tự bảo vệ bản thân, mắm bắt tâm lý, suy nghĩ của trẻ em, cách nhận diện các hành vi, thủ đoạn của các đối tượng xấu; không để trẻ em ở nhà một mình; người lớn cần xây dựng gia đình là nơi an toàn, bảo đảm các điều kiện tốt nhất để chăm sóc trẻ em; người lớn phải là tấm gương cho trẻ em noi theo; quản lý các hoạt động trên mạng Internet, mạng xã hội, có biện pháp hạn chế việc truy cập những nội dung xấu, không lành mạnh; mọi người phải lên tiếng tố cáo các hành vi xâm hại tình dục trẻ em đến cơ quan Công an và các cơ quan chức năng.

- Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của toàn xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là cha mẹ, người nuôi dưỡng, chăm sóc, đặc biệt là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, dễ bị xâm hại tình dục./.

 

Vũ Hoàng Anh
Số lần đọc: 3073

Tin liên quan