• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1838, tại Bình Nhật, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, ông tham gia và lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp. Ông bị thực dân Pháp bắt và bị chúng xử chém tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, khi ông mới 30 tuổi.

Đình thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. 

Ngày 10/12/1861, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân lập nên chiến công vang dội, đốt cháy tàu Espérance của giặc Pháp trên vàm Nhật Tảo, tiêu diệt nhiều tên địch. Chiến thắng Nhật Tảo là tiền đề để nghĩa quân mở hàng loạt cuộc tấn công khác đánh vào tàu địch ở Bến Lức, Sông Tra…, làm cho quân Pháp lúng túng, bị động. Sau chiến công Nhật Tảo, Nguyễn Trung Trực được triều đình phong tặng chức quản cơ, đây là bậc võ quan được xếp vào hàng chánh tứ phẩm.

Cuối tháng 6/1867, thực dân Pháp chiếm Vĩnh Long, tiếp đó là các tỉnh An Giang và Hà Tiên. Lúc này, Nguyễn Trung Trực cùng một số nghĩa quân về Hòn Chông xây dựng căn cứ, chuẩn bị lực lượng tiếp tục tấn công địch. Rạng sáng ngày 16/6/1868, ông chỉ huy nghĩa quân tấn công đồn Kiên Giang, toàn bộ quân Pháp và lính giữ đồn bị tiêu diệt. Sau những chiến công vang dội của Nguyễn Trung Trực, giặc Pháp và tay sai điên cuồng truy tìm ông, chúng treo giải thưởng cao cho ai bắt hoặc giết được ông. Độc ác hơn, chúng bắt giữ mẹ ông hòng gây áp lực, buộc ông đầu hàng; đồng thời chúng tăng cường lực lượng trấn áp nghĩa quân.

 Không khuất phục kẻ thù xâm lược, Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân đã rút ra đảo Phú Quốc để bảo toàn lực lượng, xây dựng căn cứ tiếp tục chống Pháp. Ngày 19/9/1868, giặc Pháp đưa hơn 100 lính Mã tà ra Phú Quốc, tấn công Hàm Ninh; sau đó chúng tăng cường thêm viện binh tấn công Dương Đông. Chúng bao vây, khủng bố, khống chế gắt gao nhân dân trên đảo hòng cô lập và triệt hạ nghĩa quân. Trước cảnh đồng bào bị đàn áp, khảo tra, vũ khí của nghĩa quân cạn kiệt, thế giặc lại mạnh, Nguyễn Trung Trực đã quyết định hy sinh bản thân mình để bảo toàn lực lượng cho nghĩa quân và tính mạng cho đồng bào.

Để làm phân tán và tan rã lực lượng địch, Nguyễn Trung Trực đã tuyển chọn một số nghĩa quân cùng ông đánh trận cuối. Trong trận chiến đấu vô cùng ác liệt, Nguyễn Trung Trực cố tình kéo địch ra xa vùng căn cứ; ông bị thương, ngất đi và không may sa vào tay giặc. Bắt được Nguyễn Trung Trực, giặc Pháp đưa ông về Sài Gòn, giam tại Khám lớn. Chúng ra sức mua chuộc, dụ dỗ ông theo chúng để được hưởng chức tước, lợi lộc, nhưng ông cương quyết từ chối. Trước mặt kẻ thù, Nguyễn Trung Trực hiên ngang nói: “Tôi chỉ muốn làm một chức thôi, chức gì có quyền chặt đầu tất cả bọn Tây", “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây".

Biết không thể khuất phục được Nguyễn Trung Trực, ngày 27/10/1868, thực dân Pháp đã xử chém ông tại Rạch Giá, khi ông mới 30 tuổi. Trước đó, khi nghe tin Nguyễn Trung Trực bị xử chém, đồng bào Tà Niên đã ngày đêm dệt gấp một số chiếu bông, chính giữa nổi bật chữ “Thọ", để trải lót chân cho ông đi ra pháp trường. Bất chấp bọn giặc ngăn cấm, nhân dân vẫn tràn vào pháp trường, lập một bàn thờ nhỏ, có mâm cơm, rượu, trái cây và một chiếc áo dài truyền thống có hoa văn chữ “Thọ" vừa mới may xong. Đồng bào muốn ông ăn một bữa cơm, mặc một chiếc áo trước khi đi vào cõi vĩnh hằng bằng chữ “Thọ" của lòng dân.

Cảm phục và tôn kính người anh hùng của dân tộc, sau khi Nguyễn Trung Trực bị kẻ thù hành hình, đồng bào đã lập bài vị bí mật thờ ông tại Lăng Cá Ông. Ban đầu, nơi đây chỉ là một ngôi đền nhỏ bằng gỗ, mái lợp lá; sau nhiều lần sửa chữa, Đền thờ Nguyễn Trung Trực ngày càng khang trang hơn. Năm 1987, di tích Đình và Lăng mộ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đình Nguyễn Trung Trực nằm bên bờ sông Kiên hướng ra biển, phía trước có cột cổng lớn ghi tên tự ngôi đình và hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt: 

“Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần"

Hiện nay, không chỉ ở thành phố Rạch Giá, mà nhiều nơi trong tỉnh Kiên Giang cũng có hàng chục ngôi đền thờ Nguyễn Trung Trực, như đền thờ ở huyện Hòn Đất, đền thờ ở huyện Châu Thành, đền thờ ở huyện Kiên Lương, đền thờ ở huyện Phú Quốc… Một số tỉnh như Long An, An Giang, Cà Mau, Bình Định… đều có đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Nhiều gia đình còn lập bàn thờ Nguyễn Trung Trực tại nhà riêng như thờ ông bà, cha mẹ mình để tưởng nhớ công ơn của ông và làm chỗ dựa tinh thần cho gia đình.

Như đã thành thông lệ, cứ vào ngày 26 - 28/8 âm lịch hàng năm, nhân dân trong tỉnh và các địa phương trong cả nước lại hội tụ về thành phố Rạch Giá để tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Với sức lan tỏa ngày càng sâu rộng, lễ giỗ người anh hùng Nguyễn Trung Trực đã được nâng lên thành lễ hội truyền thống. Nhiều năm qua, lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực được tỉnh Kiên Giang tổ chức quy mô hơn, với nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Thông qua các hoạt động của lễ hội, đã giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc; quảng bá hình ảnh Kiên Giang năng động và mến khách…

Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 3101

Tin liên quan