• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2022 với chủ đề “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc" gắn với Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (1/6 - 30/6) là dịp để tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Đồng thời, đây còn là dịp để các cấp, các ngành và toàn xã hội đẩy mạnh chăm sóc, bảo vệ trẻ em - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Ngày hội Gia đình tiêu biểu tỉnh Kiên Giang lần thứ II năm 2022.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình" và “Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan". Bởi gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Người nói: “Ngày nay, các cháu là nhi đồng. Ngày sau, các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới". Người luôn quan tâm, tin yêu sâu sắc đối với trẻ em. Theo quan điểm của Người thì việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là một sự nghiệp vô cùng lớn lao, hệ trọng, quyết định vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Đó là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Vì vậy, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc chính là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Ngay từ năm 1991, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Công ước bao gồm các quyền con người cơ bản của trẻ em gái, trẻ em trai và trẻ vị thành niên; bắt buộc tất cả các chính phủ đã tham gia ký kết phải áp dụng và thực hiện. Công ước bao gồm trách nhiệm của cha mẹ, giáo viên, nhân viên y tế và tất cả mọi người liên quan đến trẻ em. 

Ngày 20/9/1993, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 15/5 hàng năm là Ngày Quốc tế Gia đình với, mục đích tôn vinh và khẳng định tầm quan trọng của gia đình. Đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức về gia đình và các yếu tố ảnh hưởng đến gia đình. 

Tại Việt Nam, ngày 4/5/2001 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, với ý nghĩa tôn vinh mái ấm gia đình, mọi người cùng quan tâm, giúp đỡ nhau để xây dựng gia đình Việt Nam phát triển bền vững; đề cao trách nhiệm của các cấp, ngành, sự chung tay của toàn xã hội giúp cho các gia đình ngày càng ấm no, hạnh phúc, trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục. 

Công tác xây dựng gia đình ở nước ta được Đảng và Nhà nước quan tâm từ rất sớm, nhất là từ khi Ban Bí thư khóa IX ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều gia đình đã tiếp cận được những dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao. Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam.

Đặc biệt, trong Hiến pháp năm 2013 đã cụ thể hóa đường lối của Đảng bằng việc quy định rõ các quyền và bổn phận trẻ em phù hợp với điều kiện phát triển mới; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong việc bảo vệ quyền trẻ em. Hiến pháp coi quyền trẻ em là một bộ phận của quyền con người; đặt quyền và bổn phận trẻ em trong mối quan hệ với quyền và nghĩa vụ của công dân và coi đó là một bộ phận không thể tách rời. 

Quyền trẻ em cũng đã được thể chế hóa trong Luật Trẻ em năm 2016 gồm 7 chương và 106 điều, trong đó quy định 25 quyền dành cho trẻ em. Cùng với đó, còn có nhiều văn bản pháp luật khác cũng chứa đựng những quy định trực tiếp hoặc gián tiếp về quyền trẻ em như: ngày 23/12/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1863/QĐ-TTg, phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, giai đoạn 2020-2025; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 về “Tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em".

Những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em của Đảng, Nhà nước ta đã thúc đẩy cải thiện cuộc sống cho hàng triệu trẻ em. Các quyền của trẻ em đã được thực hiện tốt hơn. Nhận thức về công tác trẻ em của các cấp, các ngành, toàn xã hội ngày càng được nâng cao.

 Tuy nhiên, thời gian qua chưa quan tâm phát huy đúng mức vai trò của cộng đồng và đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng gia đình; chưa có giải pháp đồng bộ, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, thông tin tiêu cực trên internet và mạng xã hội tới gia đình; chưa xử lý triệt để tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục, sử dụng lao động trẻ em; sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ còn hạn chế.

Gần đây, tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, bị lạm dụng sức lao động, trẻ em vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, năm 2021, toàn quốc xảy ra gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em, với hơn 2.100 đối tượng, xâm hại gần 2.000 trẻ em, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng quý I năm 2022, lực lượng chức năng phát hiện gần 450 vụ với gần 500 đối tượng, xâm hại hơn 450 trẻ em; trong đó, số vụ xâm hại tình dục trẻ em là hơn 300 vụ với 317 đối tượng, xâm hại 309 trẻ em (chiếm 69,3%), giảm 12,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, thời gian gần đây, chúng ta đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội khiến hàng triệu trẻ em một thời gian dài không được tới trường. Do hạn chế tiếp xúc bạn bè, giáo viên, các thành viên gia đình, xã hội đã khiến trẻ em trở nên dễ bị tổn thương hơn. Một nguyên nhân khác, việc học tập, giải trí của nhiều em gần như gắn chặt với máy tính, điện thoại và internet đã khiến cho trẻ em có nhiều nguy cơ hơn bị xâm hại trên môi trường mạng.

Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước".

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được nêu tại Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng là hướng đến xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025 cũng đã đề ra mục tiêu: Thực hiện tốt các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; đa dạng hóa truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; phòng chống bạo lực gia đình… 

Để đạt được mục tiêu đó, công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về giá trị gia đình trong tình hình mới để thay đổi nhận thức trong công tác bảo vệ quyền trẻ em của các cơ quan chức năng, của gia đình, nhà trường, xã hội. Trong đó, cần tập trung giáo dục đạo đức, lối sống từ chính mỗi gia đình và việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em từ các nhà trường. Xây dựng cho các em nền tảng cơ bản sẽ giúp các em tránh được các nguy cơ xâm hại từ môi trường xã hội.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về gia đình; xây dựng môi trường gia đình văn minh, hạnh phúc, tạo điều kiện cho mọi thành viên được phát triển toàn diện và thụ hưởng thành quả phát triển. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về gia đình.

 Phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, xã hội hóa, phát triển lĩnh vực gia đình. Bởi vì xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy phát triển bền vững, không chỉ là trách nhiệm của các cấp, các ngành mà còn là của toàn xã hội. Huy động sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội, để xây dựng một môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em phát triển toàn diện, trước tiên là môi trường gia đình và môi trường giáo dục trong nhà trường.

Và cốt lõi nhất là mỗi người trong xã hội hãy phát huy vai trò tiếp tục nỗ lực thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng xã hội, nhằm tạo môi trường giáo dục sớm ngay từ chính gia đình, xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất trong phát triển bền vững đất nước.

Nguồn: kiengiang.dcs.vn
Số lần đọc: 3361

Tin liên quan