• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Đến ấp Thạnh Hòa, xã Đông Thạnh, huyện An Minh nhiều người biết đến anh Võ Văn Mừng bởi câu chuyện dám nghĩ, dám làm của một đoàn viên bắt đầu khởi nghiệp từ con dê. Đây được xem là mô hình chăn nuôi bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế đang được huyện Đoàn An Minh khuyến khích đoàn viên thanh niên nhân rộng.

Khởi nghiệp và gắn bó với con dê vào năm 2019 nhưng ban đầu anh Mừng chỉ đủ tiền mua 10 con giống về nuôi và tận dụng cỏ, cây tạp xung quanh làm thức ăn cho dê. Với ý chí của một người ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm anh đã lên các trang mạng tham khảo các gương khởi nghiệp từ nuôi dê, đồng thời dành thời gian tìm hiểu, đi tham quan các mô hình nuôi dê hiệu quả trên địa bàn tỉnh và chịu khó học hỏi tỉ mỉ từ kỹ thuật xây dựng chuồng trại đến cách phòng tránh một số bệnh thường gặp ở dê…  Sau 2 năm khởi nghiệp đến nay, anh đã phát triển đàn dê có lúc trên 60 con. “Dự định ban đầu của mình là nuôi khép kính với dê và trùn quế làm thức ăn cho tôm. Nhận thấy sự khả quan do con dê mang lại nên mình đã quyết định mở rộng chuồng trại từ mười con dê ban đầu giờ mô hình của mình đã có được 30 dê sinh sản và 30 con dê thịt”. - Anh Lê Văn Mừng - đoàn viên ấp Thạnh Hòa, xã Đông Thạnh, huyện An Minh

 

Theo chàng trai sinh năm 1998 này, đã chọn mô hình nuôi dê nhốt chuồng để khởi nghiệp thì phải theo. Nuôi dê dễ hơn chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác, đặc biệt là phù hợp với điều kiện của địa phương như xã Đông Thạnh. Cũng theo anh, nuôi dê với số lượng lớn thì phải xây dựng chuồng trại đúng quy cách, tránh ô nhiễm môi trường. Với con dê phải chú ý theo dõi sự phát triển từng giai đoạn, ghi chép đầy đủ để thường xuyên theo dõi sức khỏe và trọng lượng đàn dê. Anh cho biết khi tìm hiểu các mô hình nuôi dê khác, người nuôi không chủ động được nguồn thức ăn. Nên sau một thời gian ngắn số lượng đàn dê giảm sút dần do thiếu thức ăn từ đó dẫn đến mô hình thất bại. Nắm được mấu chốt đó anh đã mạnh dạng tận dụng 4.000m2 bờ mẫu vuông tôm, đầu tư hệ thống tưới nước tự động để trồng cỏ làm thức ăn cho đàn dê. Anh cho biết thời điểm cỏ phát triển tốt sẽ cung cấp thức ăn cho hàng trăm con dê cùng lúc. Anh Mừng chia sẻ thêm: Khi quyết định đầu tư mô hình gia đình anh  không đồng ý và cho rằng chỉ cần cắt cây cỏ xung quanh là dê đã đủ thức ăn. Tuy nhiên trải qua đợt hạn mặn vừa qua, đàn dê của anh vẫn đảm bảo được nguồn thức ăn để phát triển, sinh sản. Do trước đó đã chủ động tạo nguồn thức ăn từ việc trồng cỏ trên bờ vuông. Kể từ đấy gia đình đã thay đổi suy nghĩ và ủng hộ anh hết mình.

Mô hình nuôi dê của đoàn viên Lê Văn Mừng

Ngoài lợi nhuận từ việc bán dê thịt, dê giống thì phân dê cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho anh. Tận dụng nguồn phân dê, sau khi xử lý thì đem ngâm ủ để nuôi trùn quế. Nếu bán phân sinh khối đã có trứng, ấu trùng và trùn con thì được 4.000đ/kg, trùn thịt từ 50 - 60 ngàn đồng/kg. Nếu bán phân khô thì giá bình quân 28.000 đồng/bao. Từ nguồn thu này sẽ có thêm kinh tế xoay sở cho gia đình và chăm sóc đàn dê tốt hơn. Trong khi các loài gia súc khác đang đối diện với các loại dịch bệnh, giá cả bấp bênh thì anh Mừng lại khá tự tin với việc nuôi dê. Bởi trong 2 năm qua, anh đã xuất bán được cả dê thịt và dê giống với mức giá dao động từ 120 -160 ngàn đồng/kg. Theo tính toán, bước đầu thu nhập của anh đạt khoảng 100 triệu đồng/năm từ con dê và trùn quế.

Tận dụng phân dê sau khi xử lý để nuôi trùng quế cũng đem lại thu nhập cho anh Lê Văn Mừng

Đánh giá về mô hình nuôi dê thương phẩm và dê sinh sản của anh Mừng, Anh Trương Văn Thủy - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện đòan An Minh cho biết. Mô hình này đã giúp tận dụng khoảng thời gian nhà rỗi của thanh niên tại nông thôn. Đồng thời mô hình cũng giúp cho thanh niên có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Bênh cạnh đó, nhằm tạo điều kiện để các mô hình kinh tế trong thanh niên ngày càng phát triển, Ban Thường vụ Huyện đoàn An Minh cũng đã tạo điều kiện để thanh niên tham gia tham quan các mô hình phát triển kinh tế tại các địa bàn lân cận, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để từ đó giúp thanh niên học hỏi và áp dụng vào mô hình phát triển kinh tế của mình tại địa phương.

Theo anh lê Văn Mừng hướng tới sẽ cố gắng tìm đầu ra ổn định, lâu dài và nghiên cứu lai tạo giống dê khỏe mạnh, mau lớn để thay thế những giống dê hiện tại. Đồng thời mở rộng quy mô chăn nuôi, xây dựng chuồng trại đúng chuẩn, đảm bảo không ô nhiễm môi trường và hỗ trợ đoàn viên thanh niên cũng như bà con ở địa phương phát triển đàn dê, xây dựng mô hình chăn nuôi phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu như hiện nay./.

 

Thiện Nhân
Số lần đọc: 3221

Tin liên quan