• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ thế nhưng Hứa Trường Giang, một đoàn viên tiêu biểu của Chi đoàn ấp Thạnh Hòa 2, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao đã làm chủ một cơ sở nuôi trùn quế khá quy mô và có cả thương hiệu riêng được nhiều người biết đến. Chính bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, niềm đam mê làm nông nghiệp theo hướng sạch, thân thiện với môi trường và sự tìm tòi, nỗ lực vượt khó, không ngừng sáng tạo đã giúp Giang thành công trong con đường khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Đoàn viên Hứa Trường Giang (bên trái) trao đổi với anh Quách Phi Hưng, Phó bí thư xã đoàn Thủy Liễu về cách nuôi trùn quế.

Giang chia sẻ: “Dự định ban đầu của em là thi vào ngành công an nhưng do không đủ tiêu chuẩn mà điểm thi lúc đó lại đủ điều kiện vào ngành Bảo vệ thực vật của trường Đại học Cần Thơ thế nên em cũng theo học luôn. Vậy mà học được 1 năm em đã thấy yêu thích ngành này, càng học em càng thấy thú vị, càng mở ra nhiều điều hay, mới mẻ, giúp em thấy được nhiều triển vọng phát triển nông nghiệp tại địa phương mình”.

Có tính tự lập từ sớm nên từ năm thứ 2 đại học, Giang đã bắt đầu đi làm thêm và tự trang trải mọi chi phí học tập, sinh hoạt ở Cần Thơ. Cũng chính quá trình đi làm thêm đó đã giúp Giang có cơ hội biết đến nghề nuôi trùn quế để bán phân hữu cơ, thấy nghề này có tiềm năng từ đó em đã ấp ủ ý định thực hiện mô hình này tại quê nhà. Nghĩ là làm Giang quyết định mua con giống về nuôi thử nghiệm tại gia đình với số lượng 200 kí.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, Giang xin được việc tại một công ty nước ngoài với mức lương khá tốt, vừa đi làm ở công ty vừa thực hiện nuôi trùn quế tại gia đình, do 2 công việc ở 2 nơi gặp nhiều khó khăn nên sau khi đi làm tại công ty được 4 tháng Giang đã quyết định nghỉ việc và chuyên tâm về nhà thực hiện mô hình nuôi trùn quế. Em chia sẻ: “Thời điểm đó em đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều giữa việc chọn đi làm cho công ty và việc về nhà khởi nghiệp, tự làm chủ. Nhưng vì quá đam mê nghề nuôi trùn quế và ước mơ phát triển các mô hình nông nghiệp sạch nên em quyết định về nhà làm kinh tế. Lúc đầu ba mẹ không đồng ý cho nghỉ việc nhưng em đã thuyết phục ba mẹ từ từ và quyết tâm thực hiện mô hình, sản phẩm ngày càng phát triển, khách hàng bắt đầu biết đến nên dần dần ba mẹ cũng đồng ý”.

Mô hình nuôi trùn quế được Giang thực hiện hơn 2 năm nay và đã có sản phẩm bán hơn 1 năm. Em cho biết nuôi trùn quế cũng đơn giản hơn nữa vốn có chuyên môn về bảo vệ thực vật nên Giang gặp nhiều thuận lợi trong khâu chăm sóc, quản lý, kỹ thuật nuôi. Hiện tại Giang đã xây dựng 3 địa điểm nuôi với tổng diện tích các nhà nuôi khoảng 1000 m2. Thức ăn chủ yếu của trùn quế là bùn bã hữu cơ như rơm mục, lục bình, phân trâu, bò…đây là những thứ dễ tìm kiếm ở địa phương nên không khó khăn, qua quá trình trùn quế phân hủy sẽ cho ra nguồn phân hữu cơ tự nhiên giàu đạm bón cho cây trồng rất tốt. Tùy lượng thức ăn cung cấp và độ ẩm phân khách hàng yêu cầu mà lượng phân hữu cơ thu được ít hoặc nhiều, lâu hay nhanh. Nguồn phân này được cung cấp cho các cơ sở trồng hoa kiểng, rau sạch, chủ yếu là các cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ vậy Giang còn bán con giống trùn quế cho những ai có nhu cầu nuôi với giá 20 ngàn đồng/kí. Giang cho biết thêm: “Tùy cách nuôi sẽ cho ra nhiều dạng phân hữu cơ từ trùn quế khác nhau và thời gian thu hoạch, giá cả cũng khác, ví dụ như ở ẩm độ 80% với 1 tấn nguyên liệu đầu vào sẽ thu được 7 – 8 trăm kí phân, giá bán loại phân này sẽ từ 3,5 triệu đồng/1 tấn. Còn với loại phân đã được sàng lọc tạp chất, đóng gói bao bì sẽ có giá 90 ngàn đồng/1 bao 10 kí, ngoài ra em còn thực hiện giảm giá cho khách hàng tùy vào số lượng đơn đặt hàng. Qua hơn 1 năm bán sản phẩm em đã hoàn được vốn đầu tư ban đầu, hiện tại thu nhập có được em dùng để đầu tư tái sản xuất và mở rộng mô hình hơn nữa”.

Không chỉ đam mê nuôi trùn quế đạt hiệu quả, mà Giang còn tự tìm tòi phát triển thương hiệu trùn quế của mình vươn xa hơn bằng cách tạo lập một trang website riêng có tên “www.trunquekiengiang.com” để đăng tải những bài viết về cách nuôi trùn quế, quảng bá thương hiệu của mình, đồng thời Giang cũng đã đăng ký thương hiệu với Sở khoa học và công nghệ tỉnh Kiên Giang. Hiện tại thương hiệu trùn quế của Giang được nhiều người, nhiều nơi biết đến, thường liên hệ đến tham quan học tập kinh nghiệm, hoặc đặt hàng nguồn phân hữu cơ. Không chỉ vậy, bản thân Giang còn nghiên cứu tự thiết kế logo bao bì mang tên “Trùn Quế Kiên Giang” để thuận tiện trong bán sản phẩm cũng như giới thiệu thương hiệu hơn. Hiện tại em có khoảng 5 dạng phân hữu từ trùn quế thích hợp bón cho các loại cây trồng khác nhau.

Trường Giang chia sẻ: “Thật ra em vốn ấp ủ thực hiện mô hình nuôi trùn quế đã lâu, càng đi sâu vào thực hiện thì càng phát sinh nhiều vấn đề mới mà trước đây mình cũng chưa nghĩ tới, rồi cứ tới đâu mình lại nghiên cứu giải quyết đến đó, em vừa muốn làm nông nghiệp nhưng cũng vừa muốn làm kinh tế bền vững do đó việc tạo thương hiệu, logo sản phẩm là điều phải làm đểphù hợp với xu thế kinh tế thị trường hiện nay. Với kiến thức đã học được cộng với sự tìm hiểu em liên hệ với các đơn vị, tổ chức có thẩm quyền nhờ hỗ trợ thêm và dần dần mọi thứ cũng đâu vào đấy, quan trọng là bản thân mình phải có quyết tâm, đam mê, kiên trì thì sẽ thành công”.

Để có nguồn thức ăn cho trùn quế Giang liên hệ với những gia đình có nuôi trâu, bò nhiều trên địa bàn để mua nguồn phân trâu, bò, hay vớt lục bình trên sông, kênh. Những lúc cao điểm có đơn đặt hàng Giang thuê thêm 2 - 3 lao động để thu gom nguyên liệu ban đầu, đóng gói bao bì, vận chuyển. Hiện tại Gang bao tiêu cung cấp nguồn phân hữu cơ cho 4 hộ tại xã và sắp tới thêm 18 hộ nữa của xã Định An. Ngoài ra, Giang còn phối hợp với một số ban ngành nhất là hội nông dân ở một số địa phương như Hà Tiên, Kiên Lương, Tân Hiệp tổ chức các hội thảo giới thiệu về mô hình nuôi trùn quế đến bà con nông dân. Giang còn viết sách về kỹ thuật nuôi trùn quế và kỹ thuật bón phân cơ bản cho một số loại cây trồng.

Không chỉ dừng lại ở mô hình nuôi trùn quế để cung cấp nguồn phân hữu cơ tự nhiên vốn yêu thích và có đam mê phát triển những mô hình nông nghiệp sạch, sắp tới Giang sẽ thực hiện mô hình trồng nấm rơm theo tiêu chuẩn VietGap trong nhà, trồng rau sạch, hiện tại em đã dự trữ nguồn rơm, chuẩn bị xây dựng nhà trồng nấm rơm. Ngoài ra em còn có dự định sẽ mở thêm một số đại lý cung cấp phân hữu cơ.

 “Mặc dù còn rất trẻ nhưng với bản lĩnh tự lập khởi nghiệp, sự năng động, sáng tạo, nhạy bén và sự đam mê, tâm huyết dành cho nông nghiệp thời gian qua, đoàn viên Hứa Trường Giang đã có những thành công ban đầu khá hiệu quả, chứng minh cho những nỗ lực, kiên trì của bản thân trong quá trình thực hiện ước mơ khởi nghiệp, mở ra một hướng làm kinh tế mới cho thanh niên nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thời gian tới xã đoàn sẽ tranh thủ các nguồn vốn để hỗ trợ Giang phát triển mô hình thêm cũng như tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên trên địa bàn nghiên cứu, học tập mô hình để có hướng thực hiện góp phần phát triển kinh tế gia đình”. Anh Quách Phi Hưng, Phó bí thư xã đoàn Thủy Liễu nói.

Với mô hình nuôi trùn quế như hiện nay thanh niên Hứa Trường Giang không chỉ có thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình mà đây còn là một cách làm hiệu quả trong việc góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ phân trâu, bò hay rơm rạ tại địa phương, tạo nguồn phân hữu cơ để trồng trọt theo hướng sạch, thân thiện với môi trường. Mở ra triển vọng phát triển kinh tế mới cho địa phương./.

Thủy Triều
Số lần đọc: 9284

Tin liên quan