• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Thanh niên là lực lượng lao động to lớn của xã hội và là nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (Nghị quyết số 25-NQ/TW) xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là giải quyết một số vấn đề lao động và việc làm cho thanh niên, cụ thể là nâng cao chất lượng lao động trẻ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên nhằm phát huy vai trò, sức mạnh của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

1. Thanh niên là lực lượng lao động đông đảo, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dân số trung bình năm 2016 của cả nước ước tính đạt 92,70 triệu người, tăng 987,8 nghìn người, tương đương tăng 1,08% so với năm 2015, bao gồm dân số thành thị 32,06 triệu người, chiếm 34,6%; dân số nông thôn 60,64 triệu người, chiếm 65,4%; dân số nam 45,75 triệu người, chiếm 49,4%; dân số nữ 46,95 triệu người, chiếm 50,6%.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước đến thời điểm 01-10-2016 ước tính là 54,44 triệu người, tăng 122,7 nghìn người so với cùng thời điểm năm 2015, bao gồm: Lao động nam 28,02 triệu người, chiếm 51,5%; lao động nữ 26,42 triệu người, chiếm 48,5%. Xét theo khu vực, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 17,54 triệu người, chiếm 32,2%; khu vực nông thôn là 36,90 triệu người, chiếm 67,8%. Tính chung 9 tháng đâu năm 2016, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,29%, trong đó khu vực thành thị là 3,23%; khu vực nông thôn là 1,82%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 9 tháng đầu năm là 7,04%, trong đó khu vực thành thị là 11,65%; khu vực nông thôn là 5,27%. 

Trong cơ cấu lao động, thanh niên là lực lượng lao động lớn của xã hội và là nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mỗi năm có khoảng 1,2 - 1,6 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động. Theo kết quả điều tra lao động và việc làm toàn quốc của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số lượng và tỷ lệ thanh niên tham gia hoạt động kinh tế tăng liên tục từ năm 2008 đến nay và chiếm khoảng 33 đến 35% lực lượng lao động xã hội.

Chất lượng lực lượng lao động là thanh niên cũng có nhiều thay đổi, theo hướng tỷ lệ thanh niên được đào tạo, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, tay nghề ngày càng nâng cao, ngày càng có nhiều thanh niên có trình độ, tay nghề tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế. Công tác đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, hướng nghiệp cho thanh niên được đẩy mạnh. Hoạt động giáo dục, đào tạo được đa dạng hóa về loại hình và phát triển. Bên cạnh hệ thống các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học công lập, còn mở rộng sự phát triển của các trường dân lập, nên thanh niên có nhiều cơ hội được học tập. Mỗi năm có hàng trăm nghìn sinh viên hệ cao đẳng và đại học tốt nghiệp, bổ sung cho lực lượng lao động xã hội.

2. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW công tác giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho thanh niên đã có sự chuyển biến rõ nét. Các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đã quan tâm xây dựng những nghị quyết, chương trình và kế hoạch về công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều tỉnh, thành phố đã có những chương trình, chính sách, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Đoàn Thanh niên, đặc biệt là công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Đoàn trở thành cán bộ lãnh đạo kế cận của Đảng và chính quyền. Công tác phát triển Đảng trong thanh niên được đẩy mạnh. Đội ngũ cán bộ Đoàn mạnh thực sự là những “thủ lĩnh” trong việc tập hợp thanh niên tham gia vào các phong trào của địa phương, trong đó có việc giúp nhau làm kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập. 

Việc triển khai các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn; chương trình phát triển công nghiệp, dịch vụ; chương trình xây dựng và phát triển nông thôn mới, các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao và các dự án kinh tế trọng điểm, đã góp phần giải quyết việc làm, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, trong đó một phần lớn là lao động trẻ. Đồng thời, thông qua các nguồn lực hỗ trợ, sự lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia và thực hiện các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, dự án tín dụng việc làm với lãi suất ưu đãi từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, tạo việc làm cho thanh niên. 

Nhiều mô hình thanh niên hỗ trợ nhau lập thân, lập nghiệp để phát triển sản xuất do Đoàn Thanh niên các cấp phát động, tổ chức thực hiện cũng đạt được những kết quả tích cực. Số liệu thống kê của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh từ năm 2008 đến 2015, đã có gần 6,4 triệu lượt thanh niên được tư vấn, truyền thông về nghề nghiệp, việc làm. Đoàn thanh niên các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với ngành lao động tổ chức tốt các hoạt động truyền thông tuyên truyền về chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động tới thanh niên và xã hội thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, như: Ngày hội việc làm, Ngày hội tư vấn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các sàn giao dịch việc làm… Các tỉnh đoàn, thành đoàn đã triển khai tốt việc phát triển và duy trì hoạt động của các điểm tư vấn và giới thiệu việc làm cho thanh niên tại các cơ sở Đoàn. Mô hình câu lạc bộ “Thanh niên giúp nhau lập nghiệp”, “Hợp tác xã thanh niên”, “Trang trại trẻ”… đã được tổ chức Đoàn đẩy mạnh thực hiện tại các địa phương…

Các chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên cũng được các cấp chính quyền và đoàn thể ở địa phương quan tâm hơn. Nhiều địa phương đã coi các hoạt động hướng nghiệp, tạo việc làm là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên, tạo điều kiện để thanh niên đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm, phát triển sản xuất cho thanh niên; các chính sách hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn, bộ đội xuất ngũ, thanh niên dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng về công tác thanh niên trên lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực trẻ, nâng cao chất lượng lao động và giải quyết việc làm cho thanh niên, vẫn còn nhiều hạn chế và chưa thực sự đồng đều ở các địa phương. 

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi lao động thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng qua mỗi năm. Tình trạng thất nghiệp có xu hướng tăng mạnh, tập trung chủ yếu ở nhóm thanh niên đô thị. Còn tỷ lệ thiếu việc làm lại tăng nhanh ở thanh niên khu vực nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp cũng khá cao trong nhóm thanh niên đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề. Hàng năm, số lượng học sinh, sinh viên ra trường rất lớn, lên đến hàng trăm nghìn người nhưng số sinh viên, học sinh có việc làm ổn định ngay, hơn nữa, lại được làm việc theo đúng chuyên môn, nghề nghiệp được đào tạo rất nhỏ. Đa số họ phải làm những công việc tạm thời, không ổn định, thậm chí có người phải “dấu” bằng đại học để làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp. Rõ ràng, giữa những đòi hỏi về việc làm với định hướng nghề nghiệp của thanh niên, giữa mục tiêu đào tạo nghề và sử dụng lao động có những mâu thuẫn. Hiện tượng “thừa thầy, thiếu thợ” tồn tại nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo. Thực trạng này đặt ra những vấn đề về chất lượng, số lượng, cơ cấu ngành, nghề đào tạo của hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng cũng như đào tạo nghề xem đã phù hợp với nhu cầu, đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế hay chưa, đồng thời, cũng phản ánh tính thụ động, nhận thức sai lệch về việc làm (chỉ muốn làm việc trong các cơ quan, có biên chế ổn định) và việc chưa thích nghi của thanh niên đối với những điều kiện về việc làm, thu nhập trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế.

Nhiều thanh niên thất nghiệp, chưa tìm được việc làm đã và đang tiếp tục tham gia học tập nâng cao trình độ, học các khóa đào tạo nghề với hy vọng tìm được một công việc tốt hơn. Tuy nhiên, thời gian học văn hóa, học nghề kéo dài cũng làm tăng thêm số lượng lao động thanh niên chưa có việc làm. Khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, khởi sắc, nhiều khu công nghiệp, nhà máy hoạt động bình thường trở lại và một số đơn vị còn mở rộng sản xuất nên người lao động đã có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn lao động và việc làm. Thị trường lao động phát triển sôi động, thậm chí nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở vào tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhu cầu lao động đã qua đào tạo, lao động có kỹ thuật ngày càng cao đã khiến cho nhiều thanh niên do chưa được đào tạo nghề nên không đáp ứng được các yêu cầu tuyển dụng. Vì vậy, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp vẫn cao. 

Đối với thanh niên khu vực nông thôn, kết quả khảo sát tình hình thanh niên cho thấy, trên 70% số thanh niên nông thôn chưa qua đào tạo nghề. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ngày càng trầm trọng trong thanh niên nông thôn, nhất là ở những địa bàn bị thu hồi đất sản xuất cho công nghiệp, đô thị hóa. Không có nghề nghiệp, thiếu việc làm, thiếu vốn để sản xuất, kinh doanh đang là những vấn đề chính đối với thanh niên nông thôn. Một số khó khăn hiện nay của thanh niên khu vực nông thôn qua khảo sát là: trình độ học vấn thấp nên không có cơ hội để có việc làm, không có đất để sản xuất, kinh doanh, thiếu kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, thiếu thông tin về thị trường lao động, khó tiếp cận các nguồn vốn cho sản xuất.

Do thiếu vốn và không có việc làm nên có trên 2/3 số thanh niên nông thôn thường xuyên phải rời quê tìm việc làm ở nơi khác... Tình trạng này khiến cho làn sóng di cư tự phát của thanh niên nông thôn đến các khu đô thị, khu công nghiệp để tìm việc làm ngày càng tăng, gây nên những bất cập trong quản lý, sinh hoạt đoàn thể. Họ phải làm những công việc vất vả, thu nhập thấp, bấp bênh, không có các quyền lợi bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn, vệ sinh lao động,..) và đây là nhóm có nguy cơ cao về mắc các tệ nạn xã hội.

Những hạn chế trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho thanh niên thể hiện rõ qua sự nhìn nhận, đánh giá của cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể và chính thanh niên. Vì vậy, cần nghiên cứu đánh giá, rút kinh nghiệm, phát huy những mặt tích cực, khắc phục những hạn chế từ thực tiễn để triển khai thực hiện công tác thanh niên trong lĩnh vực lao động, việc làm ngày càng hiệu quả hơn, đáp ứng được những đòi hỏi của thanh niên và công tác thanh niên trong tình hình mới.

3. Là lực lượng lao động quan trọng trong quá trình xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, đứng trước thị trường lao động, vấn đề giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho thanh niên thường gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội. Trong đó, Nhà nước bằng việc phát triển các chương trình, dự án kinh tế - xã hội tạo ra nhu cầu ngày càng cao đối với lao động nói chung, lao động thanh niên nói riêng; ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách liên quan từ tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh, các chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng, miễn giảm thuế và các nghĩ vụ khác đến đào tạo nghề,… nhằm giải quyết việc làm cho thanh niên. Các tổ chức đoàn thể, nhất là các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức tập hợp, hỗ trợ giải quyết việc làm cho thanh niên bằng các chương trình, dự án cụ thể, phù hợp.

Bên cạnh những nỗ lực hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của xã hội, cần đặc biệt chú trọng phát huy vai trò chủ động, tích cực, tinh thần hăng hái, sáng tạo của thanh niên trong tự tạo việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho bản thân, đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

Để phát huy vai trò chủ động, tích cực của thanh niên tự giải quyết vấn đề việc làm, trước hết, cần giáo dục, nâng cao nhận thức của thanh niên về nghề nghiệp, việc làm trong cơ chế thị trường bởi vấn đề lao động và việc làm của thanh niên có liên quan chặt chẽ với những định hướng nghề nghiệp của chính họ. Để có một nguồn nhân lực trẻ đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần định hướng phát triển nghề nghiệp mới trong thanh niên, phù hợp với những yêu cầu mới của sự phát triển; kết hợp giữa nhu cầu thực tế của sự phát triển thị trường lao động với xu hướng lựa chọn nghề nghiệp của thanh niên. Cần khắc phục một thực tế trong quan niệm của thanh niên là phải thông qua con đường học đại học, cao đẳng để có việc làm, trong khi hằng năm các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường dạy nghề không tuyển đủ chỉ tiêu. 

Tăng cường công tác tuyên truyền và xây dựng chiến lược truyền thông quốc gia về hướng nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên, trong đó chú trọng những thông tin về thị trường lao động, cung cấp kịp thời những số liệu tin cậy về lao động, việc làm đến các địa phương, cơ sở để có căn cứ xây dựng chương trình hướng nghiệp cho thanh niên, giúp họ có điều kiện tiếp cận với thông tin chính xác và những cơ hội tìm kiếm việc làm.

Để giải quyết việc làm cho lao động nói chung và cho thanh niên nói riêng, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại địa phương; xây dựng chương trình việc làm trên cơ sở gắn kế hoạch sản xuất với kế hoạch giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn. Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách và tập trung dạy nghề cho thanh niên nông thôn, giúp họ nâng cao kiến thức khoa học - kỹ thuật, kỹ năng quản lý, kiến thức thị trường để lựa chọn nghề cho phù hợp. Khuyến khích đào tạo nghề tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Chú trọng đào tạo nghề công nghiệp - dịch vụ cho thanh niên, học sinh nông thôn mới tốt nghiệp phổ thông giúp họ chuẩn bị điều kiện chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp như: công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ nông thôn, bán hàng… Huy động từ nhiều nguồn lực để tăng vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm cho thanh niên, đầu tư ngân sách thỏa đáng để mở rộng mạng lưới dạy nghề. Có chính sách tín dụng ưu đãi cho các cơ sở dạy nghề, nhất là các nghề kỹ thuật cao. 

Tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư để phát triển sản xuất, tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho thanh niên cải thiện đời sống./. 

Theo Tạp chí Cộng sản/ĐX
Số lần đọc: 14096

Tin liên quan