• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website
Cùng với các địa phương khác của tỉnh Kiên Giang, huyện Kiên Lương bước vào đợt thực hiện BHYT học sinh năm học 2014-2015. Chúng tôi đến Kiên Lương vào một ngày cuối tháng 8, không khí phấn khởi của ngày khai giảng năm học mới tràn ngập đường phố Kiên Lương.

Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Trường Tiểu học Kiên Lương 3, một ngôi trường với gần 1.000 học sinh nằm ngay thị trấn Kiên Lương. Thầy Huỳnh Thanh Tuấn - Hiệu trưởng trường đón chúng tôi với nụ cười niềm nở. Thầy cho biết, tuy mới khởi động năm học một tuần nhưng trường đã đạt 70% học sinh tham gia BHYT (nếu tính các đối tượng khác khoảng 80%), hiện tại số học sinh chưa tham gia BHYT chủ yếu là học sinh có hoàn cảnh khó khăn và học sinh là ngườ dân tộc. Trường sẽ tạo điều kiện để các em có thể tham gia 2 đợt trong năm (6 tháng một lần) để giảm bớt chi phí cho gia đình. Thời gian tới, trường tiếp tục phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, khu phố tuyên truyền đến phụ huynh học sinh, nhất là những học sinh chưa tham gia BHYT, góp phần thực hiện lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và đến 2020 theo Kế hoạch của UBND tỉnh. Chúng tôi tâm đắc nhất phát biểu của thầy “Chúng tôi luôn quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe cho các em học sinh để các em có đủ sức khỏe học tập, tại trường chúng tôi mỗi thầy cô là một tuyên truyền viên vận động các em học sinh tham gia BHYT tích cực…”. Chúng tôi rời trường với một tâm trạng rất vui, mong rằng tất cả lãnh đạo của các trường học và các cơ sở giáo dục đều quan tâm đến công tác BHYT như thầy Huỳnh Thanh Tuấn. 

Điểm đến thứ hai của chúng tôi là Bệnh viện Đa khoa huyện Kiên Lương. Bệnh viện không đông người bệnh như cảnh chúng tôi thường thấy ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi phòng bệnh chỉ lác đác vài người nằm. Chúng tôi gặp chị Dương Thị Loan (ấp Mũi Dừa, thị trấn Kiên Lương) đang chăm con nhỏ bị bệnh viêm thận, hỏi thăm thì được biết chị không tham gia BHYT cho con mình - hiện đang là học sinh lớp 2, do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Qua trao đổi, chị cho biết “Tôi không tham gia BHYT cho con, nên bây giờ con bệnh, tôi phải trả toàn bộ chi phí nằm viện của con, trong khi gia đình đang rất khó khăn, không biết con phải điều trị bao lâu nữa và gia đình không biết phải tính sao với khoảng viện phí trong những ngày sắp tới”. Chúng tôi trao cho chị tờ rơi quyền lợi và nghĩa vụ của học sinh khi tham gia BHYT, chị cắm cúi đọc và nhận thấy rằng quyền lợi được hưởng khi tham gia BHYT theo Luật quy định rất nhiều, chị nói: “Nhất định sau đợt này về, tôi sẽ tiết kiệm để tham gia BHYT cho con để con tôi được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường, phát hiện sớm những bệnh thông thường, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho gia đình khi con gặp rủi ro, bị bệnh, phải nằm điều trị dài ngày”. Đối với những người làm công tác tuyên truyền như chúng tôi, kết quả đạt được dù 1- 2 người có thay đổi nhận thức về BHYT cũng làm chúng tôi rất vui.

Tại Bệnh viện, chúng tôi cũng gặp anh Nguyễn Văn Lâm - nhân viên Công ty Xi măng Holcim tại Kiên Lương. Anh cho biết, gia đình có 2 đứa con, anh tham gia đều đặn BHYT cho các con vào đầu mỗi năm học. Tuy nhiên, anh không sử dụng thẻ BHYT học sinh của các con với lý do: “Khi con bị bệnh vào Bệnh viện điều trị, với tâm lý là phụ huynh, tôi rất lo lắng cho tình hình của con, nhưng nhân viên y tế thì lại không quan tâm đến bệnh nhân có thẻ BHYT, khi tôi sử dụng dịch vụ thì thái độ của nhân viên y tế thay đổi hẳn, đây chính là bức xúc của bản thân tôi và của nhiều người khác”. Chúng tôi phân tích để anh thông cảm rằng đó chỉ là một vài trường hợp cá biệt tại các cơ sở y tế, còn phần đông y - bác sĩ vẫn quan tâm đến bệnh nhân dù có thẻ hay không có thẻ BHYT. Anh bước đi nhưng chúng tôi nghĩ rằng vẫn chưa thuyết phục được anh tin vào chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước, khi mà vẫn còn đâu đó những trường hợp y - bác sĩ có thái độ phân biệt bệnh nhân BHYT và bệnh nhân sử dụng dịch vụ.

Rời Bệnh viện, chúng tôi đến gia đình bà Đinh Thị Giao (khu phố Tám Thước, thị trấn Kiên Lương). Bà chia sẻ, gia đình bà là gia đình lao động, bà bán rau ở chợ. Tuy khó khăn nhưng bà tham gia đầy đủ BHYT cho con vào đầu năm học. Nhờ đó, khi con gặp tai nạn giao thông, bị chấn thương sọ não thì gia đình chỉ phải chi trả khoảng 18 triệu đồng trên tổng số 37 triệu đồng chi phí điều trị. Bà rất tin tưởng vào tính nhân đạo của chính sách BHYT - niềm vui trở lại trên gương mặt những người đi làm chuyên mục thực tế. Nhờ tham gia BHYT mà khi con gặp rủi ro, gia đình được quỹ BHYT chi trả với số tiền lớn. Bà cho biết thêm: “Ngoài tham gia BHYT cho con, tôi cũng tham gia BHYT tự nguyện thường xuyên, liên tục, rủi ro thì không ai muốn nhưng nếu có bị bệnh thì quyền lợi hưởng rất nhiều”.

Ông Đàm Kiến Tiến - Giám đốc BHXH Kiên Lương cho biết, hiện tại Kiên Lương mới đạt 35,7% dân số tham gia BHYT, hết năm 2014 chỉ tiêu được giao phải đạt 55%. BHXH Kiên Lương sẽ tìm nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đối tượng phụ huynh học sinh nói riêng và đối tượng tham gia BHYT nói chung, tăng cường tham mưu Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo công tác BHYT nhằm phát triển đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn./.

                                                                                    

Mai Hiên
Số lần đọc: 2011

Tin liên quan