• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website


Sau lễ trọng đại tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời chưa được bao lâu, cuộc trường kỳ kháng chiến đã bắt đầu.

Bác Hồ phải tạm lánh về xã Cần Kiệm thuộc đất Sơn Tây. Chiều 30 Tết Đinh Hợi (21 tháng 1 năm 1947), Hội đồng Chính phủ họp ở phủ Quốc Oai (Sơn Tây). Trời mưa rét, đường trơn như đổ mỡ, các thành viên Chính phủ và Thường vụ Quốc hội đã lặn lội về đông đủ, song vẫn chưa thấy Bác đến. Trời tối dần, nỗi lo bắt đầu lan rộng. 9 giờ tối, trong nỗi thấp thỏm, bồn chồn của các đại biểu, Bác bất ngờ gỡ khăn áo cải trang, bước vào phòng họp. Mọi người thở phào nhẹ nhõm.

Cuộc họp tất niên trong đêm không pháo, không bánh chưng, không rượu, không giò nhưng có hoa đào... Sau lời chúc Tết Chính phủ và Ban Thường vụ Quốc hội của Bác, cụ Bùi Bằng Đoàn thay mặt mọi người cảm ơn và chúc Tết Người. Dưới sự chủ trì của Bác, cuộc họp trong vòng 2 giờ đã bàn những vấn đề cấp bách, phải khẩn trương làm không chờ nghỉ Tết. Gần 12 giờ khuya, ai nấy đều phải trở về ngay nơi làm việc của mình.

Bác lại lên xe, chiếc xe ọc ạch chạy đi theo hướng chùa Trầm. Trong đêm giá lạnh, Bác đi vào trong hang núi, nơi đặt hệ thống phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam để đọc thơ Xuân Đinh Hợi, chúc Tết đồng bào cả nước và kiều bào đang ở nước ngoài.

Bác chúc Tết xong lại lên đường trở về Cần Kiệm giữa đêm khuya. Rời khỏi chùa Thầy, đã qua giờ Sửu, mưa lại thêm nặng hạt; đến lối rẽ vào chùa Tây Phương, cả hai bánh xe bị sa xuống ruộng, rất may chưa bị lật nhào. Mọi người hốt hoảng, còn Bác lại bình tĩnh nói vui: “Ngày đầu năm, chúng ta gặp hoạ, nhưng phúc có ngay trong hoạ, phúc đỡ cho rồi. Thế là điều vui!...”.

Trên đường gió hun hút thổi, người lái ở lại giữ xe, Bác cùng những người giúp việc đi bộ trở về giữa trời mưa, giá rét, đường trơn... Rạng sáng, anh Cả (Nguyễn Lương Bằng), anh Cần (Vũ Kỳ) cùng một số người giúp việc Bác “xuất hành” đi khiêng xe. Bác dậy sớm như thường lệ đi mấy bài quyền. Kể lại những kỷ niệm này, anh Cần mắt rưng rưng lệ, nói nhỏ với tôi: “Chúng tôi khiêng xe lên và mang được đến nơi cần gửi; gia chủ thành tâm mời cùng cả nhà ăn Tết. Ngồi vào mâm cỗ thịnh soạn, chúng tôi ứa nước mắt nhớ Bác ở nhà,... Bác đang cố để viết cho xong cuốn sách”.

Chiều mồng một Tết, một số người đi chúc Tết trong thôn, bà con mời lại ăn cỗ. Ở cơ quan chỉ còn anh Ninh (Trần Đăng Ninh) và anh Cần ngồi ăn cơm nguội, Bác ăn cơm nóng độn sắn với canh rau cải. Anh Cần nói vui: “Bác ơi! Bác ăn canh rau cải phải đi giải nhiều..”. Bác cười hỏi lại: “Chú có nhớ ca dao nói gì không?” Rồi với giọng ôn tồn Bác đọc: Không canh nào bằng canh rau cải /Chẳng đạo ngãi nào bằng nghĩa vợ chồng.

Tối mồng một, mưa thêm nặng hạt, gió lọt qua phên liếp, lạnh thấu tận xương...Bác bảo nhóm lửa giữa nhà. Bác, anh Cả, anh Râu Xồm (Trần Đăng Ninh) và những người giúp việc quây quần bên nhau như đêm lửa trại. Trời về khuya, anh Nhân (Trường Chinh), anh Văn (Võ Nguyên Giáp) quần sắn quá gối, chân bê bết bùn đất, hé liếp bước vào. Hỏi ra mới biết, hai anh “xuất hành” đi chúc Tết Bác, định đến sớm để bàn công việc khẩn cấp, nhưng xe đã bị sa lầy ngay từ đầu xã...

Bác cùng  anh Nhân, anh Văn, anh Cả, anh Ninh ngồi quanh bếp lửa họp bàn... những người giúp việc Bác còn lại vội vã đội mưa rét đi cứu xe. Khi đưa được xe lên cũng vừa lúc chuông chùa Tây Phương ngân vang báo sáng. Tiễn  anh Nhân, anh Văn ra về bên thềm lập loè ánh lửa Bác ân cần nói với các anh: “Ngồi bên bếp lửa ấm, ra đi ngay dễ ngộ lạnh, phải dừng lại mấy phút cho quen dần cái rét rồi hai chú hãy đi...”.

Tết ra, Hội đồng Chính phủ họp phiên đầu tiên vào ngày 12 tháng giêng âm lịch (2 tháng 2 năm 1947) cũng ở Quốc Oai. Mở đầu, Bác đề nghị ai có thơ Xuân, câu đối Tết xin đọc làm đà” cho Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi; Thống nhất, Độc lập nhất định thành công (thư chúc Tết của Bác). Sau lời giới thiệu của cụ Bùi (Bùi Bằng Đoàn), Bộ trưởng Phan Anh đọc liền 2 vế đối:

Cha, ông hương khói lạnh, con cháu cỗ bàn suông; khắp ba kỳ còn nếm nỗi gian truân, buồn Tết nhất càng căm thù quân cướp nước;

Tổ quốc bờ cõi yên, non sông Nam Bắc hợp; mấy mươi triệu đồng bào thề quyết thắng, bước vinh quang sẽ hẹn lúc về nhà.

Bộ trưởng dứt lời, Bác ứng khẩu đọc ngay một câu “kiều lẩy”:

Rằng hay thì thật là hay,

Khẩn trương kháng chiến hẹn ngày bình sau.

Cụ Tôn (Tôn Đức Thắng) ghé tai nói nhỏ với cụ Bùi: “Ông ạ! Thánh thật, sống xa đất nước trên 30 năm mà hầu như Cụ không phai nhạt một thứ gì là của Việt Nam”. Cụ Bùi cười mãn ý đáp lời: “Cụ Hồ thuộc về thiên nhân, tuệ giác”.

Sau kỳ họp này, Bác không về Cần Kiệm mà ở lại Sài Sơn. Anh Râu Xồm đã vận động được sư cụ chùa Thầy để Bác ở trên tầng núi lưng chừng của chùa Một Mái. Bác làm việc trong cái vòm đá của Núi Sài. Chùa có sân rộng, vắng vẻ; Bác nhờ anh Văn, anh Cần giúp tập đi xe đạp để lúc cần có thể chủ động đối phó được nhanh, gọn nhẹ.

Thành Ý (ghi theo lời kể của nhà báo Sơn Tùng)

 

Số lần đọc: 2664

Tin liên quan