• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website


Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn dành tình cảm đặc biệt cho thiếu niên nhi đồng. Người từng khẳng định: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh”. Trước lúc đi xa, Người đã “để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Cũng từ tình cảm đặc biệt ấy, nên cùng với tên gọi của tổ chức Đoàn Thanh niên, tổ chức Đội của nước ta đã được vinh dự mang tên Người: Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh
 
Những vần thơ bát ngát tình

Bác Hồ có nhiều bài thơ viết cho thiếu nhi. Trong đó chứa đựng tình thương yêu sâu sắc, thắm thiết của Người đối với các cháu. Người nhắc đến trẻ em với một tình cảm trìu mến, nâng niu: “Trẻ em như búp trên cành /Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan /Chẳng may vận nước gian nan /Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng”... hoặc“Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây /Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng” (Kêu gọi thiếu nhi - 1941). 

Viết cho thiếu nhi, nhưng nhiều bài thơ của Bác khiến người lớn thấy xúc động, thấm thía. Bởi thơ Bác cũng là một hình thức kêu gọi, tuyên truyền cách mạng. Người gợi mở, dẫn dắt con trẻ hiểu vì sao nước mất nhà tan, vì sao trẻ em bị thiệt thòi: “Vì ai ngăn cấm học hành? /Vì ai ta phải chịu đành dốt ngây? /Ấy là vì Nhật, vì Tây /Ra tay vơ vét, đoạ đày chúng ta” (Trẻ chăn trâu - tháng 11-1942). Người vận động, giác ngộ thiếu nhi: “Vậy nên trẻ em nước ta /Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh /Người lớn cứu nước đã đành /Trẻ em cũng góp phần mình một tay” (Kêu gọi trẻ em).

Giàu tình nhân ái đối với mọi kiếp người, Bác Hồ cũng luôn thường trực tình cảm yêu thương đặc biệt đối với thiếu nhi. Người gửi tặng vở và những dòng thơ giản dị nhưng chứa đựng tình cảm và sự quan tâm sâu sắc cho một thiếu nhi người dân tộc ở Cao Bằng: “Vở này ta tặng cháu yêu ta /Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là /Mong cháu ra công mà học tập /Mai đây cháu giúp nước non nhà”. (Tặng cháu Nông Thị Trưng - 1944).

Người có thơ cho thiếu nhi nhân dịp Trung thu: “Trung thu trăng sáng như gương /Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng /Sau đây Bác viết mấy dòng /Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ nhung”. (Thư Trung thu - 1951). Với thiếu nhi miền Nam đi trước về sau trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bác dành tình cảm thật đặc biệt: “Bắc Nam sẽ sum họp một nhà /Bác cháu ta gặp mặt, trẻ già vui chung /Nhớ thương các cháu vô cùng /Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi”. Thơ Người chính là lời tỏ bày tình cảm, là lòng mong mỏi lớn lao của vị Cha già, vị lãnh tụ cách mạng đối với lớp trẻ: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ /Tuỳ theo sức của mình /Đi tham gia kháng chiến /Để gìn giữ hoà bình /Các cháu hãy xứng đáng /Cháu Bác Hồ Chí Minh”. (Thư Trung thu 1952).

Những lời dạy chí tình

Đặc biệt yêu quý thiếu nhi, nên Bác Hồ luôn quan tâm giáo dục các cháu. Bác coi thiếu nhi là người chủ tương lai của nước nhà, cho nên cần phải sớm rèn luyện đạo đức cách mạng. Nhiều lời dạy của Bác đối với thiếu nhi đã được các thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam khắc cốt ghi tâm. Nổi bật là 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào /Học tập tốt, lao động tốt /Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt /Giữ gìn vệ sinh thật tốt /Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. 5 điều Bác Hồ dạy thiếu nhi hiện được treo trang trọng ở các lớp học, in trong các cuốn vở, trở thành nội dung rèn luyện và phấn đấu của mỗi thiếu nhi Việt Nam.

Mỗi dịp khai trường, hay Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi, Bác Hồ thường có thư gửi các cháu. Lời lẽ trong thư luôn ân cần, trìu mến, chí tình. Bác luôn nhắc thiếu nhi phải đoàn kết, thi đua học tập, lao động, rèn luyện đạo đức, rèn luyện sức khoẻ. Bác cũng căn dặn người lớn phải quan tâm chăm sóc, giáo dục các em. Người dạy, ngày Tết Thiếu nhi 1-6 nhắc nhủ người lớn (trước hết là bố mẹ, cô giáo, thầy giáo, Đoàn Thanh niên) nhớ nhiệm vụ của mình đối với nhi đồng, và lưu ý người lớn phải là tấm gương cho trẻ em, phải “khéo giáo dục để mai sau nhi đồng trở thành người công dân có tài, có đức”. Người yêu cầu “đừng dạy các em thành những ông cụ non... Phải làm sao cho trẻ có kỷ luật nhưng vẫn vui vẻ hoạt bát chứ không phải khúm núm đặt đâu ngồi đấy”. Lời dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây, Vì lợi ích trăm năm trồng người” của Bác Hồ đã và đang được toàn Đảng, toàn dân ta học tập và làm theo.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6-1969, ba tháng trước lúc đi xa, Bác Hồ viết bài trên báo Nhân Dân khẳng định “chăm sóc và giáo dục các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”, và kêu gọi “Vì tương lai con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc, giáo dục các cháu bé cho tốt”. Trong Di chúc, Người lại nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Những lời dạy của Người thể hiện tầm nhìn sâu rộng của vị lãnh tụ cách mạng đối với thiếu niên nhi đồng - những người chủ tương lai của đất nước, lực lượng cách mạng quan trọng. 

Đã 40 năm trôi qua kể từ ngày Quốc tế Thiếu nhi năm 1969, thiếu nhi Việt Nam không còn được Bác gửi thư. Nhưng tấm lòng yêu thương và những lời dạy của Người vẫn luôn đồng hành cùng thiếu niên nhi đồng cả nước, là di sản văn hóa vô giá của toàn Đảng, toàn dân và của thế hệ trẻ nước ta. Các thế hệ thiếu nhi Việt Nam vẫn luôn cất cao lời hát: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh /Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”...
Hà Linh

 

Số lần đọc: 3566

Tin liên quan