• 1
  • 3
Tỉnh đoàn Kiên Giang - Diễn đàn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam, Đội TNTP HCM tỉnh Kiên Giang
Các đơn vị tài trợ website
Liên kết website

Sau ngày miền Nam giải phóng, cả nước đứng trước muôn vàn khó khăn chồng chất. Hậu quả của cuộc chiến tranh do đế quốc gây ra cho nhân dân ta vô cùng nặng nề. Có hơn 1.500 thành phố, thị xã, thị trấn, vùng dân cư bị huỷ diệt, hàng triệu người mất nhà cửa, tài sản. Đế quốc Mỹ cũng đã rải hơn 100.000 tấn chất độc hoá học xuống 13.000 km2 rừng, 70% diện tích trồng dừa, 60% diện tích trồng cao su, 110.000 hécta phi lao và 150.000 hécta rừng đước bảo hộ ven biển. Nền kinh tế do Mỹ để lại ở miền Nam Việt Nam là nền kinh tế què quặt, hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ của Mỹ. ở miền Bắc, chiến tranh phá hoại của Mỹ cũng tàn phá nặng nề không kém gì ở miền Nam; đặc biệt hệ thống giao thông vận tải và các cơ sở kinh tế và nhiều thị xã, thành phố bị san bằng.

Về mặt xã hội, chế độ Mỹ-nguỵ đã gây ra những tệ nạn xã hội vô cùng bi đát, trên 500.000 gái mại dâm, 300.000 lưu manh, trộm cắp, nghiện hút, ma tuý… Ngoài ra chiến tranh còn để lại hàng triệu nạn nhân chiến tranh do bị tàn phế, và các loại di chứng chiến tranh suốt đời, hàng chục nghìn người mất tích, đặc biệt là nạn nhân chất độc da cam (điôxin).

Vượt qua những khó khăn chồng chất do hậu quả chiến tranh xâm lược gây ra, cùng với nhân dân cả nước, thế hệ trẻ Việt Nam đã phấn đấu hết sức kiên cường, thực hiện tốt kế hoạch 5 năm lần thứ hai. Trong tình hình đó, tổ chức Đoàn, Hội đã tổ chức các hoạt động giữ gìn trật tự an ninh, tham gia lao động sản xuất, khai hoang, phục hoá… để sản xuất thật nhiều lương thực cho đất nước. Thanh niên và hội viên thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng như các thành phố thị trấn trên toàn quốc đã tổ chức tham gia thu thập hàng tấn băng nhạc vàng, tranh ảnh, sách báo đồi truỵ, đốt hoặc giao nộp cho các cơ quan chính quyền sở tại.

Điều đáng mừng là song song với việc tham gia các hoạt động nhằm phá bỏ các tệ nạn xã hội do chế độ Mỹ – nguỵ để lại, tổ chức Đoàn, Hội đã phát động và tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, hội viên tuyên truyền và thực hiện phong trào đọc sách, báo cách mạng; thi tìm hiểu về sách báo cách mạng, phong trào tìm hiểu về Đoàn, về Đảng và Bác Hồ kính yêu. Những phong trào trên đã thu hút hàng chục vạn thanh niên, hội viên và các em thiếu nhi tham gia một cách tích cực và nhiệt tình.

Trong không khí hết sức phấn khởi và đầy lòng tự hào, tuổi trẻ cả nước vinh dự tiếp tục đón nhận những nhiệm vụ nặng nề trong thời kỳ cách mạng mới.

Nhằm phát huy khí thế hào hùng của Đại thắng Mùa Xuân năm 1975, sau ngày miền Nam giải phóng, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã mở đợt tuyên truyền và giáo dục sâu rộng trong thanh niên cả nước, với khẩu hiệu: “Tất cả cho sản xuất, tất cả để xây dựng chủ nghĩa xã hội, tất cả vì Tổ quốc giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân”. Đông đảo thanh niên cả nước đã hăng hái tham gia phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng đất nước sau hơn 20 năm bị chiến tranh tàn phá. Tuổi trẻ Việt Nam đã hưởng ứng một cách mạnh mẽ 5 mũi tiến công của Trung ương Đoàn và Trung ương Hội đề ra, đó là:

- Tổ chức một đợt tuyên truyền rầm rộ mừng Việt Nam toàn thắng, nhớ ơn Bác Hồ.
- Phát động phong trào thanh thiếu niên múa hát mừng Việt Nam toàn thắng.
- Xây dựng nếp sống mới
- Vận động phong trào quyên góp “Hai triệu cuốn sách tặng thanh niên thiếu niên Việt Nam anh hùng”.
- Đẩy mạnh phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của Đoàn.

Hưởng ứng chương trình đó, tuổi trẻ cả nước đã hăng hái, tích cực tham gia truy quét tàn quân địch, bảo vệ trật tự trị an và tham gia xây dựng chính quyền cách mạng. Ngoài ra, thanh niên còn tích cực tham gia đi khai hoang, phục hoá, xây dựng các công trình thuỷ lợi, góp phần khôi phục sản xuất. ở Sài Gòn và các đô thị, hưởng ứng chủ trương của Đảng, của Đoàn, Hội đã dấy lên phong trào thanh niên tình nguyện cùng gia đình trở về quê hương sản xuất, tham gia lực lượng thanh niên xung phong, tham gia các đội thanh niên làm đường, làm nhà, vỡ hoang. Chỉ sau ngày giải phóng hai tuần, Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng và Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng đã tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về Bác Hồ”, thu hút hàng vạn thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia. Tiêu biểu như ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang và nhiều thành phố khác đã tổ chức hàng trăm cuộc nói chuyện, hội thảo, đọc sách báo cách mạng, qua đó thu hút đông đảo thanh niên, học sinh, sinh viên vào các hoạt động do Đoàn và Hội tổ chức.

Ngày 26-3-1976, lễ kỷ niệm lần thứ 45 ngày thành lập Đoàn đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Cũng tại buổi lễ này, tổ chức Đoàn trong cả nước được mang tên là Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh. Tháng 6-1976, Hội nghị lần thứ 22 Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (Khoá III) đã quyết định thống nhất sự chỉ đạo của Đoàn, Hội và phong trào thanh niên trong toàn quốc. Trong hai ngày 20 và 21 tháng 9 năm 1976, đoàn đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và đoàn đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng miền Nam Việt Nam đã tổ chức Hội nghị thống nhất mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên trong cả nước, lấy tên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Hội nghị đã thông qua Điều lệ mới của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và cử Uỷ ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam gồm 96 đồng chí do Giáo sư Lê Quang Vịnh làm Chủ tịch và anh Huỳnh Tấn Mẫm làm Tổng thư ký.

Với sự thống nhất tổ chức Hội trong cả nước, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam bước vào trang sử mới. Số hội viên nhanh chóng phát triển rất mạnh ở cả miền Nam và miền Bắc. Những nội dung hoạt động của Hội đã gắn với phong trào thi đua của Đoàn, tạo thành một lực lượng đáng kể góp phần vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng cuộc sống mới.

Trong niềm vui chung của thế hệ trẻ Việt Nam, Hội nghị toàn quốc của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam đã họp trong hai ngày 24 và 25 tháng 9 năm 1976 tại thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị đã khẳng định những cống hiến to lớn của tuổi trẻ Việt Nam trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời cũng vạch ra chương trình hành động cách mạng của thanh niên cả nước trong thời kỳ cách mạng mới. Hội nghị cũng đã nhận được thư chúc mừng của Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tôn Đức Thắng, điện chúc mừng của Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới. Hội nghị đã thảo luận sôi nổi về công tác tổ chức Hội và quyết định những nhiệm vụ mới trong thời gian tới, đó là:

Đẩy mạnh phong trào lao động và bảo vệ Tổ quốc thành một cao trào thi đua sôi nổi, liên tục trong mọi tầng lớp thanh niên. Quán triệt nhiệm vụ “Miền Bắc phải tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng CNXH và hoàn thiện quan hệ sản xuất XHCN và xây dựng CNXH”. Mỗi thanh niên cần nêu cao lòng yêu nước XHCN, ý thức làm chủ tập thể, hăng hái tham gia phong trào “lao động tình nguyện xây dựng Tổ quốc”, thanh niên trong các lực lượng vũ trang nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng đi đầu trong “phong trào quyết thắng”, làm tốt nghĩa vụ quân sự, củng cố nền quốc phòng toàn dân, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội, kịp thời đập tan mọi âm mưu phá hoại và gây rối của bọn phản động tay sai đế quốc, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Để đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong giai đoạn mới, thanh niên phải ra sức rèn luyện nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, đạo đức, tác phong cách mạng, nỗ lực học tập văn hoá, khoa học kỹ thuật. Xây dựng “Tập thể học sinh XHCN” trong trường học.

Để tăng cường khối đoàn kết thống nhất thanh niên trong Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, các tổ chức và các tầng lớp thanh niên hãy siết chặt hàng ngũ, thống nhất hành động làm cho Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thực sự tiêu biểu cho mặt trận đoàn kết rộng rãi thanh niên trong cả nước.

Tăng cường tình đoàn kết quốc tế với thanh niên Lào, Campuchia, với thanh niên XHCN anh em, đoàn kết và ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc và thanh niên các nước chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới.

Nghị quyết của Hội nghị toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam kêu gọi toàn thể thanh niên cả nước hãy nêu cao khí phách anh hùng của tuổi trẻ, vượt qua mọi trở ngại khó khăn cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN yêu dấu của chúng ta.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam và Hội nghị Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, trong hai năm 1976-1977, nhân dân cả nước đặc biệt là lực lượng thanh niên đã dấy lên phong trào thi đua xây dựng Tổ quốc. ở các vùng mới giải phóng, phong trào của thanh niên đi xây dựng các vùng kinh tế mới, tham gia tháo gỡ bom mìn, phong trào đi khai hoang phục hoá, thâm canh, tăng vụ, tham gia cải tạo công thương nghiệp tư bản, tư doanh, cải tạo nông nghiệp. Điều đáng chú ý là phong trào thanh niên xung phong xây dựng vùng kinh tế mới phát triển rất mạnh ở các tỉnh phía Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Phú Yên, Khánh Hoà, Bến Tre… Các đội thanh niên xung phong đã đảm nhận các công trình khai hoang được tổ chức tại Thừa Thiên Huế, Thanh Hoá, Hoà Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh… Tiêu biểu là thành phố Hồ Chí Minh, các tổ chức Đoàn, Hội đã đi đầu trong phong trào này. Chỉ riêng trong năm 1976 đã có 53.700 đoàn viên, thanh niên xung phong đi xây dựng các vùng kinh tế mới. Cũng trong thời gian này, Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn Đắc Lắc ra Nghị quyết phát động phong trào “Thanh niên xung kích”; đó là, xung kích truy quét bọn phản động, bảo vệ an ninh Tổ quốc; xung kích lao động sản xuất xây dựng quê hương; xung kích học tập chính trị, khoa học kỹ thuật; xung kích xây dựng nếp sống mới, con người mới. Phong trào này đã thu hút hàng vạn thanh niên, đặc biệt là thanh niên các dân tộc tham gia xây dựng vùng kinh tế mới, hàng chục công trình thuỷ lợi trọng điểm của tỉnh như Buôn Trống, Krông Gbuk, Quảng Nhiêu… Thông qua các phong trào này đã góp phần rất quan trọng bồi dưỡng nhân tố mới trong thanh niên và tập hợp rộng rãi thanh niên các dân tộc đứng vào tổ chức Đoàn, Hội. Tháng 5-1979, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã ra quyết định thành lập Tiểu đoàn thanh niên xung phong Nguyễn Văn Trỗi gồm 504 thanh niên, trong đó có 291 người là thanh niên dân tộc. Ngay sau khi được thành lập, Tiểu đoàn Thanh niên xung phong Nguyễn Văn Trỗi đã nhanh chóng trở thành đơn vị chủ công trên các công trường sản xuất. Tại đây, cuộc sống lao động tuy còn gặp nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn mọi bề nhưng tuổi trẻ đã viết nên những bài ca hào hùng về tinh thần lao động quên mình, lập nhiều kỳ tích vẻ vang góp phần vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới.

Trước những yêu cầu của tình hình mới, tháng 1-1976, Hội nghị lần thứ 25 Ban Chấp hành Trung ương Đoàn (Khoá III) đã quyết định phát động phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể” trong thanh niên cả nước. Phong trào này nhằm động viên đoàn viên và thanh niên xung kích thực hiện ba nhiệm vụ chính của tuổi trẻ là lao động sản xuất, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, học tập, rèn luyện và xây dựng cuộc sống mới lập thành tích chào mừng Đại hội Đoàn lần thứ IV và Đại hội liên hoan lần thứ 11 của thanh niên và sinh viên thế giới.

Hội nghị Đoàn Chủ tịch và Ban thư kí (mở rộng) Uỷ ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam họp từ ngày 12-2 đến ngày 15-2-1978 tại thành phố Hồ Chí Minh đã đánh giá những hoạt động của Hội sau một năm phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng, Nghị quyết Hội nghị toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (tháng 9-1976) và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho năm 1978.

Hội nghị được đồng chí Nguyễn Văn Linh, Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến thăm và nói chuyện.

Thay mặt Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh khen ngợi và biểu dương những tiến bộ của phong trào thanh niên cả nước trong những năm qua, nhắc nhở những thiếu sót và yếu kém mà tổ chức Đoàn và Hội cần cố gắng khắc phục trong thời gian tới, nhất là về công tác tổ chức, tập hợp thanh niên nhiều nơi còn làm yếu, tỉ lệ đoàn viên, hội viên ở các tỉnh phía Nam còn rất thấp. Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nêu lên những nhiệm vụ trước mắt và vai trò quyết định của thanh niên cả nước trong việc thực hiện những chỉ tiêu kinh tế mà Đại hội lần thứ IV của Đảng đã đề ra. Về công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên, đồng chí đặt ra yêu cầu các cơ sở của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phải được xây dựng và củng cố vững mạnh để đủ sức làm nòng cốt trong việc tập hợp, tổ chức thanh niên. Các chi hội Liên hiệp Thanh niên phải được xây dựng nhanh chóng và rộng khắp ở tất cả các cơ sở ở đường phố, trường học, xí nghiệp, nông thôn. Hình thức và phương pháp đoàn kết, tập hợp thanh niên phải sáng tạo, đa dạng và phong phú... Cuối cùng đồng chí Nguyễn Văn Linh nhắc nhở các cán bộ Đoàn, Hội về công tác giáo dục thanh niên. Đồng chí nhấn mạnh phải chú ý kết hợp giáo dục tình hình nhiệm vụ, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước với nhiệm vụ lâu dài và rất quan trọng là phải xây dựng cả một thế hệ thanh niên mới, sống có lí tưởng, sống vì lí tưởng, dám hi sinh phấn đấu cho lí tưởng, những thanh niên có văn hoá, có khoa học kĩ thuật, có nhân phẩm đạo đức tốt...

Hội nghị nhiệt liệt hoan nghênh những thành tích của phong trào thanh niên trong năm 1977 và sự cố gắng phấn đấu của các cơ sở Đoàn, Hội để thực hiện các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ do Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ 23 phát động.

Trong cả nước, thanh niên hăng hái tham gia phong trào lao động tình nguyện xây dựng Tổ quốc. Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, gần 45 vạn hecta ruộng đất bỏ hoang trong chiến tranh đã được đưa vào sản xuất. Diện tích khai hoang đạt 30 vạn hécta. So với năm 1976, diện tích lúa Đông Xuân tăng 9%, diện tích màu tăng 12,5%. Thanh niên ở các địa phương tích cực khắc phục mọi khó khăn, chiến thắng thiên tai, làm thêm giờ, thêm buổi để gieo mạ, cuốc đất, chống hạn, cứu lúa... Phong trào làm thuỷ lợi và khai hoang phục hoá được thanh niên hưởng ứng sôi nổi, không chỉ thu hút thanh niên nông thôn mà còn động viên được đông đảo thanh niên ở thành phố, thị xã tham gia. Gần 3,7 triệu thanh niên đã làm được 27 triệu ngày công thuỷ lợi và đắp được 44 triệu mét khối đất đá.

Trong dịp đến thăm các đơn vị thanh niên xung phong thành phố Hồ Chí Minh đang lao động ở khu kinh tế mới Lê Minh Xuân, đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã khích lệ lớp trẻ: "Ngày nay, thanh niên ta với đôi bàn tay lao động của mình sẽ làm những chuyện to lớn, miễn là tâm hồn chúng ta luôn luôn được nuôi dưỡng bằng lòng yêu nước XHCN".

Các công trình khai hoang do thanh niên đứng ra đảm nhiệm như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Thanh Hoá, Hà Tây, Hoà Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn... đã động viên gần 4 triệu lượt thanh niên tham gia khai phá trên 13 vạn hécta. Tại Quảng Trị, trong khi phải tháo gỡ 7 triệu quả bom mìn để mở rộng 25 nghìn hécta ruộng đất hai bên hàng rào điện tử Mácnamara, hơn 1000 thanh niên bị thương tật trong đó 200 đoàn viên, hội viên đã hi sinh khi làm nhiệm vụ.

Trên mặt trận sản xuất công nghiệp, thanh niên công nhân đẩy mạnh phong trào "Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch" và phong trào "Lao động sáng tạo" khắc phục khó khăn. ở 27 đơn vị tỉnh, thành có 19.900 sáng kiến của thanh niên. Trong đó có 6.900 sáng kiến có giá trị kinh tế và kỹ thuật được đưa vào sản xuất. Các phong trào "Luyện tay nghề thi thợ giỏi", nhận công trình thanh niên, phong trào tiết kiệm của thanh niên diễn ra sôi nổi ở khắp các tỉnh, thành. Nét mới của phong trào là thanh niên công nhân trực tiếp phục vụ nông nghiệp như tham gia lao động sản xuất khi thời vụ khẩn trương, lập các tổ thanh niên xung kích về nông thôn để sửa chữa máy móc và công cụ sản xuất, nghiên cứu, và sản xuất các loại nông cụ. Tổ chức Đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Cao Bằng đã có sáng kiến, vận dụng nhiều hình thức, phương thức hoạt động có hiệu quả, thu hút thanh niên tham gia như "Cánh đồng tăng sản"; "Nương ngô 3-4 tấn". Trong suốt 3 tháng hè năm 1977, các "Đội viên tình nguyện ánh sáng văn hoá" đã không quản ngại khó khăn đến với thanh niên, thiếu niên và bà con các dân tộc vùng sâu, vùng xa, góp phần xóa mù chữ cho trên 10.000 người.

Thông qua cuộc vận động tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và cải tạo XHCN đối với nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư doanh, thanh niên từng bước được nâng cao nhận thức về CNXH, về giác ngộ giai cấp và tích cực phấn đấu trong lao động sản xuất để rèn luyện bản thân và cống hiến cho đất nước.

Năm 1977, phong trào thanh niên quyết thắng bảo vệ Tổ quốc được đẩy mạnh ở khắp các quân đoàn, quân khu, quân chủng, binh chủng. Trong Công an Nhân dân Vũ trang, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc vẫn tiếp tục phát triển. Đoàn Thanh niên trong các lực lượng vũ trang đã động viên được đông đảo đoàn viên, thanh niên thực hiện tốt chương trình huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, nhận các công trình thanh niên... Trong nhiệm vụ xây dựng kinh tế, lực lượng quân đội đã triển khai hoạt động trên nhiều địa bàn và nhiều lĩnh vực, nhất là nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng cơ bản. 70% số chi đoàn đăng kí phấn đấu vượt mức và gần 20 vạn đoàn viên, thanh niên hoàn thành kế hoạch năm 1977 trước 4 tháng. ở các tỉnh biên giới phía Tây-Nam, đoàn viên, hội viên và thanh niên hăng hái gia nhập các đội dân quân tự vệ dũng cảm cùng bộ đội bám trụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.<

Số lần đọc: 1465

Tin liên quan